Việc xin cấp visa du học Mỹ gặp rất nhiều khó khăn bởi những thành phần nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang triển khai chính sách thắt chặt Visa để tránh trường hợp khó quản lí. Tuy vậy, nếu có sự chuẩn bị tốt, bạn vẫn có thể lấy visa Mỹ dễ dàng sau 3,4 câu hỏi từ Consular officers (CO).

Để xin được visa đi du học Mỹ, bạn cần phải chứng minh được 3 điều sau:

  • Một là mục đích của bạn phải thật rõ ràng là học hành nghiêm túc.
  • Hai là bạn có đủ khả năng tài chính để chi trả cho việc học tập và sinh hoạt ở Hoa Kỳ (có thể là từ nguồn học bổng, của cá nhân bạn hoặc của gia đình tài trợ cho bạn);
  • Ba là bạn sẽ quay về Việt Nam sau khi học xong.

Thêm nữa, bạn phải trả lời một cách thuyết phục và rõ ràng để Lãnh sự tin vào bạn. Một trong những lý do bị từ chối nhiều nhất khi phỏng vấn với CO là không chứng minh được việc sẽ quay về nước sau khi học xong, tức không có kế hoạch tương lai hoặc ràng buộc ở Việt Nam.

Điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (Immigration and Nationality Act – INA) quy định rằng: “Mỗi ngoại kiều (đương đơn xin visa) sẽ được coi như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp visa, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp visa”.

Theo đó, các viên chức lãnh sự (người thực hiện phỏng vấn đương đơn xin visa) buộc phải giả định tất cả những trường hợp xin visa không định cư đều có mục đích định cư. Vì thế, nhiệm vụ của đương đơn không phải đơn giản là trả lời những câu hỏi của CO theo dạng cung cấp thông tin mà là phải chứng minh một cách thuyết phục là họ không muốn định cư. Chính vì vậy, nếu bạn muốn xin visa du học Mỹ mà không chứng minh được việc không có ý định định cư tại Mỹ sẽ bị từ chối cấp visa cho dù hồ sơ học tập của bạn có tốt như thế nào.

Làm sao để chứng minh rằng bạn không có ý định định cư tại Mỹ?

Đương đơn sẽ rời khỏi Hoa Kỳ sau thời gian lưu trú tạm thời: hãy chứng tỏ với quan chức Lãnh sự rằng bạn có có mối quan hệ gia đình, họ hàng tại Việt Nam như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng hay con cái; cơ sở kinh tế gia đình, các tài sản được thụ hưởng; công việc hứa hẹn sau khi kết thúc khóa học…hoặc trình bày về kế hoạch tương lai và những bằng chứng kèm theo đó.

Đương đơn chứng minh có đủ khả năng tài chính cho chuyến đi của mình mà không phải tìm việc làm bất hợp pháp khi ở Hoa Kỳ, kế hoạch học tập phù hợp và có khả năng tự làm thêm (nếu cần thiết) hoặc cơ hội làm thêm tại trường học (nếu có).

Mục đích vào Hoa Kỳ là chính đáng theo loại visa của đương đơn: thực hiện chính xác các loại giấy tờ mà loại visa bạn đang xin yêu cầu. Đối với học sinh – sinh viên có nhu cầu du học Mỹ thì xin visa F1 cần thiết các loại giấy tờ như mẫu đơn I-20, DS-160, bảng điểm hay thành tích học tập, bằng TOEFL, GMAT, SAT, học bổng…

Bị từ chối visa không có nghĩa là hết cơ hội!

Bị từ chối visa không có nghĩa là con đường du học chấm hết. Tùy vào lý do bị từ chối mà đương đơn cần biết cách cải thiện hồ sơ thì lần sau cơ hội vẫn còn. Tuy nhiên, việc phỏng vấn lần 2 chắc chắn sẽ khắt khe hơn lần trước, vì thế hãy thật cẩn thận và kỹ lưỡng lựa chọn hướng đi cho mình.

Lưu ý khi phỏng vấn xin visa Mỹ

Khi nhập cảnh Mỹ, mỗi diện visa có sự ràng buộc riêng. Khi đương sự vi phạm một trong những sự ràng buộc đó, Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ có quyền trục xuất đương sự trở về nước.

Vào ngày phỏng vấn ở Việt Nam, các nhân viên lãnh sự Mỹ sẽ quyết định việc cấp visa dựa trên một số yếu tố. Tình trạng tài chính của gia đình bạn (chứ không của người thân ở Mỹ) sẽ là yếu tố đầu tiên nhân viên lãnh sự duyệt xét. Gia đình bạn phải trình bằng chứng cho thấy họ có đủ tiền trả học phí và những chi phí khác cho bạn khi học và sống ở Mỹ, tình trạng tài chính của gia đình đủ để tác động đương đơn trở về quê hương sau khi việc học hoàn tất. Tiếp đến, nhân viên lãnh sự Mỹ sẽ duyệt xét chương trình học của bạn có khả tín hay không.

Nhân viên lãnh sự sẽ để ý đến tuổi tác của du học sinh, quá trình học hành, khả năng tiếng Anh và các mục tiêu học vấn… Nhân viên lãnh sự sẽ không cấp visa cho các đương đơn lớn tuổi hơn độ tuổi bình thường, những người có hồ sơ học vấn kém, không biểu lộ khả năng tiếng Anh khá.