Các trường đại học hàng đầu ở Đức được Times Higher Education xếp hạng bao gồm những đại học lâu đời và cả những trường đại học kỹ thuật hiện đại. Bảng xếp hạng dựa trên 13 tiêu chí, nhóm theo năm lĩnh vực: đào tạo (chiếm 30% số điểm), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%), hiện diện quốc tế (7,5%) và nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp hay hiệu quả chuyển giao tri thức (2,5%).

Những ngôi trường này tọa lạc trên khắp nước Đức, từ Munich, Berlin và 40 thành phố khác. Có đến 48 trường đại học ở Đức được xếp vào danh sách những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Hơn 500 chương trình học dành cho bậc cử nhân, thạc sĩ được giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường đại học hàng đầu của Đức. Bất cứ ngành học nào bạn quan tâm, bạn đều có thể học bằng tiếng Anh ở Đức.

LMU Munich là trường đại học hàng đầu nước Đức, tiếp theo là Đại học Kỹ thuật Munich. Trường đại học hàng đầu ở Berlin là Đại học Humboldt.

1. Đại học tổng hợp Ludwig Maximilian Munich, hạng 32 trên thế giới

Đứng đầu danh sách trong hai năm (2019, 2020) là Đại học tổng hợp Ludwig Maximilian (LMU Munich). Được thành lập năm 1472 tại trung tâm thành phố Munich – một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Đức, Ludwig Maximilian được công nhận là một trong những tổ chức nghiên cứu và học thuật hàng đầu châu Âu.

LMU Munich có số lượng sinh viên lớn thứ hai trong tất cả các trường đại học Đức với gần 52.000 sinh viên đang học tập, trong đó 13% là du học sinh. Thế mạnh của Đại học tổng hợp Ludwig Maximilian là khoa học tự nhiên, toán học, nghiên cứu môi trường, khoa học Trái Đất, khoa học máy tính và công nghệ thông tin, đóng góp cho thế giới nhiều công trình nghiên cứu quan trọng.

Trường có 42 người từng đạt giải Nobel, bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng như Otto Hahn, Max Planck và Werner Heisenberg.

2. Đại học Kỹ Thuật Munich, hạng 43 trên thế giới

Được thành lập năm 1868 tại thành phố Munich, Đại học Kỹ Thuật Munich ban đầu tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật, hiện đã mở rộng ra các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nông nghiệp, sản xuất bia và công nghệ thực phẩm, y học. Hiện trường có khoảng 40.000 sinh viên theo học.

Từ năm 1927, 17 giải Nobel tại các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học đã được trao cho nghiên cứu sinh và cựu sinh viên của trường. Năm 2019, Đại học Kỹ Thuật Munich cũng xếp vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất của Đức.

3. Đại học Heidelberg, hạng 44 trên thế giới

Là ngôi trường đại học lâu đời nhất nước Đức, Heidelberg được thành lập năm 1386, với hơn 160 chương trình học cho bậc cử nhân và thạc sĩ, tiến sĩ. Các ngành thế mạnh của Heidelberg là di truyền tâm thần, xã hội học hiện đại và vật lý môi trường.

Trường có hơn 30.000 sinh viên, trong đó gần 20% là sinh viên quốc tế đến từ 130 quốc gia. Hơn 1/3 sinh viên quốc tế theo học chương trình tiến sĩ. Đã có 27 giải Nobel thuộc về Đại học Heidelberg, 9 người trong đó giành giải thưởng danh giá này khi đang nghiên cứu tại trường.

Ngoài ra, Heidelberg được biết đến như là quê hương của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Các khu phố cổ và lâu đài là một trong những điểm đến được ghé thăm nhiều nhất ở Đức.

4. Đại học Humboldt Berlin, hạng 74 trên thế giới

Nằm tại thành phố Berlin, Đại học Humboldt được thành lập năm 1810, hiện có 11 khoa đào tạo các ngành như Luật, Nông nghiệp, Nghệ thuật, Văn chương, nhóm ngành Nhân văn, nhóm ngành Khoa học cơ bản về tự nhiên xã hội. Hai năm liền (2019 và 2020), Humboldt xếp thứ tư trong danh sách top trường của Đức. Hiện trường có 16% du học sinh trong tổng số 33.000 sinh viên theo học.

Đây là nơi tạo ra nhiều thiên tài và nhà tư tưởng vĩ đại của nước Đức cũng như thế giới như Albert Einstein, Karl Marx, Johann Gottlieb Fichte… Humboldt đã giành được tổng cộng 55 giải Nobel tại các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học.

5. Charite – Đại học Y khoa Berlin, hạng 80 trên thế giới

Được thành lập năm 1710, Charite là một trong những trường đại học kiêm bệnh viện lớn nhất ở châu Âu, với hơn 7.000 sinh viên theo học. Nhiều nhà khoa học và bác sĩ nổi tiếng đã làm việc hoặc nghiên cứu tại trường, gồm nhà thần kinh học Carl Wernicke, bác sĩ tâm thần Karl Leonhard và Rahel Hirsch – nữ giáo sư y khoa đầu tiên ở Đức. Hơn 50% số người từng đạt giải Nobel về y và sinh học của Đức đều là nghiên cứu sinh, giảng viên hoặc cựu sinh viên của Charite.

Nguồn: Times Higher Education