Việc biết nhiều hơn 1 ngoại ngữ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong sự nghiệp cũng như cuộc sống sau này. Chan Wai Meng, trưởng khoa ngôn ngữ đại học quốc gia Singapore nói: Thành thạo ít nhất 2 thứ tiếng là đòn bẩy nâng cao giá trị của bản thân khi đi làm. Vậy bạn nên theo học ngoại ngữ thứ 2 nào trong vô vàn ngôn ngữ trên thế giới?

Chọn ngoại ngữ nhiều người nói nhất

Theo như thống kê của UNESCO, đứng đầu danh sách 10 ngôn ngữ nhiều người nói nhất trên thế giới là tiếng Trung quan thoại (ngôn ngữ chuẩn của Trung Quốc). Theo sau đó là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Ả Rập, tiếng Bengal, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nhật và Tiếng Đức. (Xin lưu ý rằng các danh sách này chỉ tính những người nói ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ. Hiện thời rất khó tính tổng số người nói một ngôn ngữ như một ngoại ngữ.)

Học những ngôn ngữ có nhiều người nói chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho bạn. Số lượng người nói tiếng Trung đông đảo cộng với việc Trung Quốc ngày càng phát triển, việc lựa chọn học tiếng Trung có thể xem là một sự đầu tư tốt cho tương lai. Nếu bỏ qua mức độ phổ biến của tiếng Trung (ảnh hưởng bởi số lượng dân số của nước này) thì Tây Ban Nha là ngôn ngữ được sử dụng như tiếng mẹ đẻ nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên bạn nên cân nhắc bởi trong hiện tại, tiếng Trung không được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Bạn có thể thấy rõ tiếng Trung được dùng rất ít tại các khóa học về lĩnh vực kinh doanh, chính trị, truyền thông, các khóa học cao học hay nghiên cứu sinh. Điều này sẽ cản trở bạn nếu bạn có ý định theo học hoặc phát triển sự nghiệp tại các ngành trên.

Học ngôn ngữ cùng hệ với ngoại ngữ 1

Một phương án nữa là bạn có thể chọn học ngôn ngữ cùng hệ với ngoại ngữ 1 để tiết kiệm thời gian và sức lực. Nếu ngoại ngữ 1 của bạn là tiếng Anh, thuộc họ Ấn Âu, hệ Latin, như vậy sau tiếng Anh bạn có thể chọn học tiếng Pháp. Số lượng từ vay mượn của tiếng Pháp trong tiếng Anh khoảng 26-29%. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy “quen thuộc” như đã từng được học ngôn ngữ này rồi. Tiếng Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia… cũng thuộc hệ Latin. Khi học các thứ tiếng trong cùng hệ sẽ hỗ trợ nhau và người học sẽ cảm thấy độ khó giảm dần khi học các thứ tiếng tương ứng.

Nếu ngoại ngữ 1 của bạn là ngôn ngữ hệ Slavơ như tiếng Nga, bạn nên học thêm tiếng Ba Lan, Séc, Bungari… Nếu bắt đầu học các thứ tiếng tượng hình tượng thanh thì nên bắt đầu từ tiếng Trung, sau đó học tiếng Nhật, tiếng Hàn sẽ giảm bớt được khó khăn.

Chọn ngôn ngữ dựa trên nghề nghiệp và địa điểm làm việc của bạn

Sự hữu dụng của một ngoại ngữ nhất định đối với bạn còn phụ thuộc vào vùng làm việc của bạn. Jane Simpson, trưởng khoa ngoại ngữ trường đại học quốc gia Úc cho rằng: Mặc dù tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha là những thứ tiếng phổ biến nhất trên thế giới, tiếng Nga, tiếng Hindi, Ả Rập và tiếng Indonesia mới là những ngôn ngữ quan trọng với người Úc. Lý do chính là đây là tiếng nói của các khu vực kinh tế chiến lược quan trọng của Úc. Vì vậy một trong những tiêu chí để quyết định học ngôn ngữ nào là xem ảnh hưởng của ngôn ngữ đó với lĩnh vực làm việc/học tập của bạn.

Cuối cùng, việc lựa chọn ngôn ngữ nào cũng phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bản thân bạn. Nếu yêu thích một nền văn hóa của một đất nước nào đó, bạn sẽ có động lực để học ngôn ngữ của đất nước đó nhanh hơn. Vì vậy, bên cạnh các tiêu chí như nhiều người học, có ảnh hướng đến công việc… bạn cũng nên cân nhắc đến sở thích cá nhân của bản thân. Và điều quan trọng nhất, sẽ luôn có công việc yêu cầu thành thạo hầu hết các ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Vì vậy ngôn ngữ nào cũng sẽ có những lợi thế riêng, miễn là bạn đủ năng lực để đảm nhận công việc đó.