Để các bạn học viên và phụ huynh có cái nhìn tổng quan nhất về chương trình du học Đức ngành điều dưỡng. Du học Đông Dương xin phép chia sẻ bài viết của bạn Hannah Phan cùng những kinh nghiệm thực tế của bạn ấy tại viện dưỡng lão nhé!
Phần 1: Công việc của một Altenpfleger/in (Điều dưỡng viên chăm sóc người già)
Ở Đức Điều dưỡng được chia theo nhiều chuyên ngành: Kinder – Kranken – Altenpfleger/in; ngoài ra còn có Heilerziehungspfleger/in, Hebamme/Entbindungspfleger… tùy thuộc vào hướng làm việc của ngành, môi trường với đối tượng làm việc.
Ví dụ: Kinderpflege đi theo hướng chăm sóc Trẻ em, Krankenpflege đi theo hướng chăm sóc tại Bệnh viện, Altenpflege đi theo hướng Chăm sóc người già. Vậy, Altenpflege làm công việc gì? Khác nhau với ở Việt Nam như thế nào?
Khi bạn là Altenpfleger/in (Điều dưỡng viên chăm sóc người già)
Đầu tiên, để trở thành Altenpfleger/in, bạn cần tốt nghiệp 3 năm (hoặc 4 năm) chương trình đào tạo nghề điều dưỡng tại Đức. Dưới đây là những công việc mà một Altenpfleger/in sẽ làm.
Chăm sóc y tế: Bạn sẽ giúp đỡ các cụ già tại viện dưỡng lão/viện điều dưỡng tắm, ăn uống, vệ sinh. Mình nhấn mạnh ở đây là giúp đỡ chứ không phải phục vụ nhé! Phát huy tối đa khả năng tự thân của các cụ và duy trì nó cũng là nhiệm vụ của 1 Điều dưỡng.
Ví dụ: Các cụ có thể dùng tay để ăn, thì họ sẽ phải tự sử dụng muỗng và nĩa. Khi họ không dùng tay được nữa, chỉ có thể cầm nắm, thì họ sẽ được phát thức ăn chỉ cần cầm và nắm lên để ăn. Đến khi họ không thể làm gì được nữa, điều dưỡng viên sẽ giúp họ. Nguyên tắc: Không ép buộc các cụ, để họ tự giác, chính vì vậy mà điều dưỡng luôn tạo cơ hội cho họ tự làm mọi thứ. Và các điều dưỡng viên phải chú trọng quan sát.
Mỗi Altenpfleger sẽ có 2-5 người hỗ trợ, gọi là Pflegehilfer/in. Những người này chỉ phụ trách chăm sóc cơ bản, vệ sinh, hỗ trợ ăn uống,…( Pflegehelfer không có chương trình du học nghề, lương thấp hơn, cao nhất tầm 12e/h). Họ không chịu trách nhiệm về thuốc men, bệnh án hay làm việc với bác sĩ…Viện mình còn có đội Betreuung nữa, cũng là đội hỗ trợ cho Altenpfleger.
Phụ trách và chịu trách nhiệm về quá trình chăm sóc, điều trị sau phục hồi của các cụ: Thuốc men, tiêm chuyền, chế độ ăn uống, các liệu pháp trị liệu cũng như phương án điều trị dự phòng liên quan đến các cụ theo chỉ định của Bác sĩ.
Quản lí hồ sơ, hoàn thành hồ sơ bệnh án của các cụ, tất cả những thứ liên quan đến giấy tờ của các cụ già mà bạn chăm sóc. Ngoài ra, tùy vào phân công của viện, bạn có thể quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực tập sinh… trong khu vực mình phụ trách.
Chịu trách nhiệm bàn giao công việc sau ca kíp, làm việc với bác sĩ về diễn biến tình trạng của bệnh nhân, lên và nhận các cuộc hẹn cho công việc liên quan: cuộc hẹn gặp bác sĩ, người nhà, các chuyên gia vật lý trị liệu cho bệnh nhân,…
Chịu trách nhiệm mỗi ca kíp khi mình là Fachkraft (chuyên viên điều dưỡng – trưởng ca), nếu có việc gì xảy ra với các cụ, bạn sẽ có trách nhiệm kiểm tra ban đầu rồi đưa ra quyết định: gọi Bác sĩ, chuyển lên bệnh viện, hay giữ lại. (Đại đây, mỗi cụ sẽ có một bác sĩ phụ trách riêng). Có vấn đề gì về sức khỏe của bệnh nhân FK sẽ trực tiếp liên hệ với bác sĩ rồi cùng xử lí.
Khi bệnh nhân qua đời: Cái này mình chưa trải nghiệm nhưng theo một số bạn nói thì FK và người hỗ trợ phải rửa cho bệnh nhân ở ca làm việc của mình. Cái này mình quen rồi. Có cụ mới ăn xong 1 tiếng sau đã qua đời, FK gọi mình sang, mình cũng đứng nhìn 1 lúc, sau đó chuẩn bị dụng cụ cần thiết rồi FK gọi Bác sĩ của họ đến để làm thủ tục giấy tờ. Không biết các bạn sẽ ra sao chứ mình thấy bình thường.
Lên kế hoạch ca kíp: Cái này tùy Viện, thông thường ở những Viện nhỏ thì do Pflegedienstleiter/in (người phụ trách đội Pflegefachkraft của Viện) làm. Còn nếu Viện lớn thì thường do Pflegeteamleiter/in (người đứng đầu Wohnbereich, nôm na là Trưởng của Khoa/ tầng). Mỗi Wohnbereich tầm 20 – 30 Điều dưỡng. Mỗi Viện thông thường có 4- 6 Wohnbereiche, số lượng tùy lớn nhỏ.
Chế độ dành cho Altenpfleger/in
Lương Brutto của một điều dưỡng viên chăm sóc người già có thể từ 2.400 – 3.200 Euro/tháng tùy viện, chưa kể tiền phụ cấp: trực đêm, làm Chủ nhật hoặc lễ Tết.
Lương Netto là số tiền cầm tay của bạn, sau khi trừ thuế, còn tùy bạn phải nộp thuế bậc mấy. Nhưng dù đang nộp ở bậc nào, thì hàng năm bạn vẫn có thể làm Steuererklärung để được hoàn thuế nhé. Cái này sau khi sang Đức bạn sẽ dần biết được thôi.
Hưởng ngày nghỉ phép tầm 28 – 35 ngày/ năm tùy chế độ của Viện. (Chưa tính ngày lễ)
Sau khi tốt nghiệp Altenpfleger/in bạn có thể làm ở: Viện dưỡng lão, Ambulant ( Chăm sóc tại Nhà), Bệnh viện, Viện Nhi, Trung tâm chăm sóc, Trung tâm cấp cứu… Tùy khả năng và cơ hội của bạn.
Nếu một số bạn cảm thấy Altenpfleger/in vẫn còn đơn giản, chưa đáp ứng được năng lực của bạn: Sau Ausbildung (học nghề) bạn có thể học lên cao hơn thành Pflegeteamleiter, Pflegedienstleister, Heimleister, Fachkraft für palliative Pflege, Fachkraft für gerontopsychiatrische Pflege…với chế độ lương “khủng” hơn. Hoặc bạn cũng có thể học lên Đại học, nếu bạn có mong muốn.
Xem các phần tiếp theo:
Phần 2: Công việc của một Azubi (Thực tập sinh)
Phần 3: Một số lời khuyên dành cho du học sinh Đức tương lai
Theo dõi du học ISA để xem thêm các phần tiếp theo của bài viết bạn nhé!