Tất cả các người lao động ở Đức khi có thu nhập vượt quá mức công việc nhỏ (mini job) thì sẽ phải đóng thuế và số tiền phải đóng là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhưng mức thuế phải trả là bao nhiêu phụ thuộc không chỉ vào mức lương mà còn phụ thuộc vào bậc thuế của bạn. Và bậc thuế thì lại phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân. Thế thì bậc thuế nào sẽ là bậc thuế phù hợp với bạn?

Tổng thể, ở Đức có 6 bậc thuế khác nhau và tuỳ theo tình trạng hôn nhân và công việc của bạn mà bạn có thể khai đóng thuế theo các mức khác nhau. Thuế ở Đức là nơi có các quy định pháp luật khá là phức tạp và nếu có gì không hiểu thì bạn có thể hỏi cơ quan thuế (Finanzamt) để nhận được sự tư vấn từ họ.

cách tính thuế ở đức

cách tính thuế ở đức

Các bậc thuế ở Đức

Steuerklasse 1 – Thuế bậc 1

Sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có gia đình sẽ đóng theo bậc thuế này. Đây là bậc thuế dành cho người độc thân hoặc đã ly hôn hoặc có vợ/chồng sống ly thân và ở nước ngoài (ledige und geschiedene Arbeitnehmer sowie verheiratete Arbeitnehmer, deren Ehegatte im Ausland wohnt oder die von ihrem Ehegatten dauernd getrennt leben).

Steuerklasse 2 – Thuế bậc 2

Nếu bạn là bố/mẹ đơn thân và nuôi con thì đóng bậc thuế này (Alleinerziehende).

Steuerklasse 3 – Thuế bậc 3

Dành cho vợ chồng sống chung ở Đức với điều kiện là:

+ Vợ/chồng đang thất nghiệp (wenn Ehegatte des Arbeitnehmers keinen Arbeitslohn bezieht).
+ Vợ/chồng đang đóng thuế bậc 5 (wenn Ehegatte des Arbeitnehmers keinen Arbeitslohn bezieht).
+ Vợ/chồng đã qua đời (wenn Ehegatte des Arbeitnehmers keinen Arbeitslohn bezieht).

Steuerklasse 4 – Thuế bậc 4

Dành cho vợ chồng sống chung ở Đức và cả 2 đều đi làm và đóng thuế.

Steuerklasse 5 – Thuế bậc 5

Dành cho vợ chồng sống chung ở Đức và có 1 người đóng thuế bậc 3 (vợ/chồng thất nghiệp).

Steuerklasse 6 – Thuế bậc 6

Dành cho những người làm nhiều công việc làm với nhiều chủ khác nhau (Arbeitnehmern, die nebeneinander von mehreren Arbeitgebern Arbeitslohn beziehen).

Steuerklassenwahl bei Ehegatten – Chọn bậc thuế cho người đã kết hôn

Nếu cả 2 vợ chồng cùng đi làm và có thu nhập thì nên cân nhắc xem chọn bậc thuế như thế nào để có lợi nhất và tiền thuế phải đóng ít nhất.

Steuerklassenkombination 4/4 – Sự kết hợp giữa bậc 4/4

Dành cho những người đã kết hôn và vợ chồng có mức thu nhập ngang nhau. (gleich viel verdienen)

Steuerklassenkombination 3/5 – Sự kết hợp giữa bậc 3/5

Ở sự kết hợp này, người có thuế bậc 3 sẽ thu nhập được khoảng 60% của tổng tiền lương sau khi đã trừ thuế và người có thuế bậc 5 sẽ thu nhập khoảng 40%. Nếu cả 2 vợ chồng cùng đi làm và có thu nhập nhưng mức thu nhập chênh lệch nhau, thì người có thu nhập cao hơn nên chọn thuế bậc 3 để bị trừ ít hơn và người có thu nhập thấp hơn nên chọn thuế bậc 5.

Việc đóng thuế như vậy giúp lợi ích cho các gia đình có thêm thu nhập để trang trải chi phí, đối với người độc thân thì thuế bậc 1 là bắt buộc do cách tính thuế với quan điểm người độc thân sẽ không có nhiều chi phí cần chi trả như những người đã có gia đình.

Vì sao người Đức phải đóng thuế nhiều đến vậy?

Gần 50 % thu nhập bình quân của người dân Đức bị khấu trừ vào thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội. Đó là thông tin được tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – Organisation für wirtschaftliche Zusammenarbeit und Entwicklung) công bố trong một nghiên cứu về thuế. Theo đó, mức đóng thuế tại Đức cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Bỉ.

Ở Đức, một người độc thân với mức lương trung bình sau khi đóng các khoản thuế thu nhập Einkommensteuer, bảo hiểm y tế Krankenversicherung, hưu trí Rentenversicherung… chỉ nhận được khoảng 51,6% trong tổng tiền lương. Trong khi đó, với các cặp vợ chồng có con cái, mức đánh thuế lại “nhẹ nhàng” hơn. Số tiền một cặp vợ chồng (đã có hai con), trong đó một người đi làm chính, được giữ lại từ lương trước thuế (bruttolohn) là 87,7 %.

Chính phần lớn những người Đức hiểu rằng việc đóng thuế là trách nhiệm xã hội của họ, của người lao động trưởng thành đối với cộng đồng, đổi lại họ được sống trong một xã hội thực sự an toàn, phúc lợi xã hội được chăm lo đầy đủ. Việc người lao động phải đóng thuế, đóng bảo hiểm nhiều như kể trên sẽ dẫn đến ba hệ quả tích cực sau:

Thứ nhất, nhà nước có nguồn tài chính để lo cho những người thất nghiệp, những người già, người tàn tật, y tế, giáo dục, giao thông và các hoạt động chung;

Thứ hai, tài chính sẽ được minh bạch hóa, được quản lý chặt chẽ, vì thế sẽ không có tình trạng người quá giàu trong xã hội, tham nhũng vì thế cũng bị đẩy lùi. Người lao động thu nhập càng nhiều, thì sẽ càng phải đóng thuế nhiều, mức chênh lệch giàu nghèo vì thế sẽ không quá cách biệt;

Thứ ba, khi mọi người đều được chăm lo, phúc lợi xã hội tốt, không có người quá giàu hay quá nghèo, ai cũng được hưởng những phúc lợi chung, nghề nào cũng đáng được trân trọng, khi ấy tình trạng tội phạm sẽ bị hạn chế đáng kể, xã hội vì thế cũng trở nên ổn định và an toàn hơn.