Phỏng vấn Visa du học Mỹ là hành trình cam go nhất đối với những ai ước mơ được trải nghiệm nền văn hoá, hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới này. Sau hơn một năm chuẩn bị từ hồ sơ du học đến kiến thức và tâm lý, phỏng vấn Visa là bước cuối cùng quyết định hành trình tiếp theo của bạn. Có được Visa chính là chìa khoá đầu tiên mở cánh cửa đến với nước Mỹ.

Nước Mỹ không xét hồ sơ như các nước khác, họ chọn cách phỏng vấn Face to Face (mặt đối mặt), có nghĩa là nếu hồ sơ của bạn yếu về tài chính, học lực, hay vấn đề nào khác, bạn vẫn còn 50% cơ hội để thuyết phục viên chức lãnh sự, và họ sẽ ra quyết định cuối cùng có cấp Visa hay không. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và một phần may mắn của bạn.

Để buổi phỏng vấn du học Mỹ diễn ra một các suôn sẻ, bạn cần phải ghi nhớ 3 điều cốt lõi nhất:

1. Bạn thực sự muốn đi du học để học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân (không phải vì một mục đích khác)
2. Bạn có đủ khả năng tài chính để chi trả cho học phí cũng như sinh hoạt phí khi được đặt chân lên nước Mỹ.
3. Bạn có nguyện vọng trở về Việt Nam phục vụ cho đất nước sau khi đã học xong.

Tiếp đến là một số kinh nghiệm xin visa du học Mỹ quan trọng nhất:

1. Chuẩn bị tâm lý thoải mái, tự tin

Xác định rõ đối tượng mình sẽ tiếp xúc là viên chức Mỹ, chịu trách nhiệm phỏng vấn visa. Họ sẽ hỏi bạn những câu liên quan đến học tập, tài chính, dự định tương lai… bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh trong thời gian rất ngắn (3 -10 phút). Bạn hãy suy nghĩ theo hướng cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện mà người nói phải thuyết phục người nghe. Như vậy, trước hết chính các bạn sẽ có một tâm lý thoải mái hơn, bình tĩnh hơn và chắc chắn sẽ tự tin hơn.

2. Chủ động cười và chào khi đưa hồ sơ

Hàng ngày các viên chức lãnh sự phải phỏng vấn cả 100 người. Họ đôi khi sẽ áp lực, cáu gắt và mệt mỏi. Hãy chủ động cười chào, dù họ không nhìn bạn, vẫn hãy luôn luôn tập trung và đón ánh mắt họ, khi trả lời câu hỏi luôn nhìn thẳng mắt lãnh sự. Nói to, rõ ràng, khi không hiểu câu hỏi hãy xin lỗi và nhờ lãnh sự lặp lại câu hỏi/ dịch qua tiếng Việt giúp bạn.

Khi lãnh sự hỏi một câu, hãy dẫn dắt người ta đến câu tiếp theo (ví dụ: bạn có người thân ở Mỹ không? Đừng chỉ trả lời có hoặc không, mà hãy đưa ra điều họ muốn biết. “Tôi có một người thân đang sống ở Houston, nhưng tôi không sống cùng người thân, vì trường tôi học ở bang khác, thưa lãnh sự…).

3. Trang phục gọn gàng, chỉnh tề

Viên chức lãnh sự nam đều mặc áo sơ mi khi phỏng vấn để tỏ thái độ nghiêm túc. Vậy thì với cương vị người đi phỏng vấn, bạn phải ăn mặc lịch sự để tôn trọng viên chức lãnh sự. Bên cạnh đó, trang phục lịch sự là để tạo ấn tượng tốt. Những viên chức lãnh sự chỉ có vài phút tiếp xúc với bạn nhưng sẽ quyết định hoàn toàn cơ hội đi du học Mỹ của bạn. Vậy nên hãy để họ có cái nhìn thiện cảm về bề ngoài chín chắn và đỉnh đạt của mình.

Những bạn nữ nên hạn chế trang điểm quá đậm, lãnh sự sẽ nghĩ rằng các bạn dành quá nhiều thời gian tô điểm bản thân hơn là việc học.

4. Kế hoạch học tập khoa học, chi tiết và đầy tính thuyết phục

Hãy nêu kế hoạch học tập của bạn một cách rõ ràng trong buổi phỏng vấn, chỉ ra tất cả những gì bạn có như điểm IELTS hay TOEFL, SAT, bảng điểm các năm học ở Việt Nam,…Viên chức Lãnh sự Mỹ sẽ xem xét kết quả học tập tại Việt Nam và kế hoạch học tập sắp tới của bạn tại Mỹ để biết được ý định đi du học của bạn là thật sự hay không. Một loạt câu hỏi sẽ được đặt ra bạn có thể trả lời bằng tiếng Việt, nhưng tốt nhất bạn nên cố gắng trả lời bằng tiếng Anh vì bạn đang nộp đơn xin đi du học tại đất nước sử dụng tiếng Anh, hãy chỉ ra cho họ bạn có tìm hiểu về nơi bạn sẽ đến, nguyện vọng hay khao khát thật sự của bạn khi được học tại Mỹ.

Hãy chuẩn bị để giải thích rõ ràng lý do trường đại học mà bạn chọn, ngành học mà bạn yêu thích và vì sao lại muốn đi du học mà không học tại Việt Nam. Tìm hiểu thật kỹ ngành học mà bạn sẽ theo đuổi trong suốt quá trình đi du học, những cái lợi mà bạn sẽ có được khi học ở Mỹ, dự định sau khi học xong, mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bạn tại Việt Nam… để thuyết phục viên chức trong buổi phỏng vấn du học Mỹ.

5. Chuẩn bị những lý do vững chắc và cụ thể nhất

Tại sao bạn lại chọn Mỹ để đi du học chứ không phải là một quốc gia nào khác, dự định về chỗ ở trong khi học, đi lại, tài chính cho du học như thế nào, đã chuẩn bị gì cho cuộc sống xa nhà?

Nên chủ động trong câu trả lời, ví dụ người ta hỏi bạn “Bạn qua Mỹ làm gì?”, thì người ta không muốn nghe câu trả lời đơn giản như “Tôi qua Mỹ để du học”, mà một câu trả lời “ăn điểm” sẽ là “Tôi qua Mỹ để học ngành A, vì tôi có một niềm đam mê từ ngành A ở Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và học về ngành này, nay qua Mỹ tôi muốn tiếp tục được học ngành A”.

6. Tài chính minh bạch và đầy đủ.

Hồ sơ xin visa du học đươc đánh giá cao khi có thông tin tài chính đầy đủ, rõ ràng, kiểm chứng được, có nguồn gốc rõ ràng . Tình trạng tài chính của gia đình sẽ là yếu tố đầu tiên để được xét duyệt và làm cho phỏng vấn du học Mỹ thành công bước đầu. Gia đình bạn phải trình bằng chứng cho thấy họ có đủ khả năng chi trả học phí và những chi phí khác cho bạn khi học tập ở Mỹ, và tình trạng tài chính của gia đình đủ để tác động bạn trở về quê hương sau khi việc học hoàn tất.

7. Chứng minh bạn sẽ quay về nước sau khi học xong

Hãy cho họ thấy rằng: đất nước của bạn rất tốt, rất đẹp và phát triển đấy, nhưng tôi sẽ trở về Việt Nam, vì những lý do đầy sức thuyết phục của mình. Hãy cho họ biết rằng bạn còn có nhiều sự ràng buộc tại Việt Nam như các mối quan hệ gia đình, họ hàng, tài sản mà bạn sẽ sỡ hữu từ ba mẹ bạn hoặc một tương lai tươi sáng ở Việt Nam mà bạn không thể chối từ.

8. Và khi buổi phỏng vấn du học Mỹ của bạn không đạt được kết quả như mong muốn

Khi kết quả không như mong đợi, hầu hết các bạn đều thất vọng và bỏ về ngay. Điều này ít nhiều gây ấn tượng xấu. Hãy cám ơn vì lãnh sự đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn và chúc họ một ngày tốt đẹp. Điều này không thể thay đổi kết quả cuộc phỏng vấn của bạn, nhưng ít nhiều cũng gây ấn tượng tốt. Nên biết rằng mỗi cuộc phỏng vấn của bạn lãnh sự đều phải lưu lại lí do trượt, sẽ ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn tiếp theo của bạn. Nếu như gặp viên chức lãnh sự thân thiện, trước khi về hãy thành khẩn và hỏi lãnh sự cho bạn biết vì sao bạn rớt, bạn có thể cải thiện phần nào,…

Dù câu trả lời như thế nào cũng phải chấp nhận và vui vẻ ra về. Bạn tuyệt đối không nổi giận hay tỏ vẻ oán trách viên chức lãnh sự. Bị từ chối cấp visa không có nghĩa là con đường du học Mỹ của bạn đã kết thúc vĩnh viễn, nếu lần sau bạn đã thay đổi được các vấn đề còn vướng mắc như chứng minh được tình hình tài chính đã ổn định hơn, lý do đi du học một cách thuyết phục hơn… thì hãy tiếp tục đăng ký xin phỏng vấn du học Mỹ.