Nếu là một Điều dưỡng viên, bạn vẫn còn nhớ lần đầu tiên mắc lỗi trong ca làm việc của mình chứ? Mặc dù không phải tất cả các sai sót đều có thể gây hại cho bệnh nhân của chúng ta, nhưng hầu hết nó sẽ gây ra những rắc rối và cả bối rối. Nhìn lại, có thể bạn sẽ mỉm cười vì đã từng gửi một bản cập nhật tình hình bệnh nhân nhầm bác sĩ vào giữa đêm hoặc giải quyết một người thân khó tính trong phòng bệnh.

Nếu bạn là một Điều dưỡng viên mới, hãy xem qua 5 lỗi phổ biến mà ai cũng từng phạm phải này nhé!

1 – Gọi sai tên bệnh nhân

Đây là một trong những lỗi phổ biến nhất, nhưng cũng khá nguy hiểm mà hầu hết các Điều dưỡng viên mới đều gặp phải. Mặc dù nhầm tên bệnh nhân khi nói chuyện với họ có thể không gây hại gì, nhưng đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác khi nói về việc điều trị. Cuối cùng, bạn có thể đưa họ sai thuốc, sai thời điểm và cả tần suất dùng thuốc.

Bài học: Để tránh sai sót đó, điều cần thiết là bạn phải hỏi tên bệnh nhân và kiểm tra kỹ với ID và hồ sơ bệnh án của họ. Ngay cả khi bạn biết bệnh nhân này là ai, hãy luôn hỏi và xác minh.

2 – Liên hệ với bác sĩ mà không có thông tin đầy đủ trong tay

“Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gọi bác sĩ của một bệnh nhân mà tôi chăm sóc. Tôi đã căng thẳng đến nỗi phải tập đi tập lại những gì tôi sẽ nói trước khi gọi số của ông ấy. Cuối cùng, khi bác sĩ bắt máy, tôi thậm chí không thể trả lời câu hỏi đầu tiên của ông vì tôi quên kết quả CBC của bệnh nhân” – Một điều dưỡng viên chia sẻ.

Bài học:Nếu bạn cần trao đổi thông tin với bác sĩ, hãy nắm hồ sơ bệnh án, các kết quả xét nghiệm cần thiết trong tay. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn phải gọi bác sĩ vào giờ nghỉ của họ. Trước khi bạn thực hiện cuộc gọi đó, hãy chuẩn bị thật kỹ.

3 – Phạm lỗi chuyên môn

Hầu như tất cả các điều dưỡng viên đã phạm lỗi này ít nhất một lần trong sự nghiệp của họ. Đa phần họ phát hiện lỗi của mình kịp thời trước khi nó gây hại cho bệnh nhân, nhưng một số trường hợp khác lại dẫn đến các mối đe dọa gây chết người.

Bài học: Có rất nhiều cách để trách lỗi này. Tuy nhiên, nếu bạn vô tình mắc phải, đừng tự giải quyết một mình. Hãy báo cáo với cấp trên của bạn và bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở một số trường hợp, bạn cũng cần nói với bệnh nhân về điều đó.

4 – Chưa biết đủ về tình trạng bệnh nhân

Đôi khi các bệnh nhân và người thân hỏi điều dưỡng viên những câu hỏi mà chỉ bác sĩ mới trả lời được. Nếu bạn gặp phải điều này, hãy phản ứng một cách trung thực. Nếu bạn không chắc chắn về câu trả lời của mình, hãy lịch sự bảo họ hỏi trực tiếp với bác sĩ, hoặc bạn sẽ đi hỏi bác sĩ và sớm cho họ biết câu trả lời.

Bệnh nhân thường hỏi điều dưỡng về các loại thuốc mà họ đang sử dụng. Nếu bạn không hiểu rõ lý do tại sao họ phải sử dụng một loại thuốc nào đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy bạn không đủ tin cậy để chăm sóc họ.

Bài học: Luôn cập nhật kế hoạch chăm sóc bệnh nhân của bạn. Có thể bác sĩ đã thay đổi chế độ ăn uống và thuốc cho bệnh nhân mà bạn cần phải biết. Hãy yêu cầu bệnh nhân nói lại cho bạn biết những gì bác sĩ đã căn dặn.

5 – Không đặt câu hỏi

Làm một điều dưỡng viên mới vào nghề, bạn có thể cảm thấy sợ hãi và nhút nhát, đặc biệt nếu bạn làm việc với những người giỏi và đầy kinh nghiệm. Không may, cảm giác này thường dẫn đến lý do vì sao các điều dưỡng mới vô tình phạm lỗi.

Bài học: Luôn luôn đặt câu hỏi nếu bạn không chắc chắn về điều gì đó. Không có một điều dưỡng nào biết hết tất cả mọi thứ. Nếu bạn phải thực hiện một nhiệm vụ hay công việc nào đó lần đầu, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ. Những điều dưỡng viên giỏi trong hiện tại cũng đã từng học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng từ những người khác khi họ là người mới như bạn.

Bạn còn nhớ lần phạm lỗi đầu tiên của bạn khi vừa bắt đầu công việc điều dưỡng viên không? Bạn đã học được gì từ đó? Sau cùng, chúc bạn có thể vượt qua giai đoạn đầu khó khăn này, và thành công trong công việc Điều dưỡng của mình nhé.

Nguồn: nurseslabs.com

Xem thêm các thông tin liên quan:

Du học Đức miễn phí và được hưởng lương ngành điều dưỡng

Con đường trở thành điều dưỡng viên tại Mỹ