Nếu có mong muốn du học ở nước Đức công nghệ và hiện đại, sao không thử đọc qua chia sẻ siêu chi tiết của bạn Minh Châu từ Group Scholarship Hunters để biết vì sao Minh Châu lại lựa chọn trở thành du học sinh thạc sĩ tại Đức nhé.
“Mình đến Đức du học vào năm 2019 và trong hơn 2 năm ở đây mình luôn cho rằng đó là một quyết định đúng đắn. Bài viết này nêu ra một số lý do vì sao mình chọn du học Đức và những trải nghiệm tích cực của mình trong thời gian qua. Nếu bạn cũng như mình cách đây 2 năm, băn khoăn giữa Đức và một số nước nói tiếng Anh, thì đây có thể là một bài viết hữu ích cho bạn.
1. Miễn học phí
Ngoại trừ bang Baden-Württemberg đã bắt đầu thu học phí từ học kì mùa đông năm 2017, tất cả sinh viên tại các trường công lập trên toàn nước Đức chỉ phải chi trả các khoản phí quản lý, dịch vụ sinh viên, và phương tiện di chuyển cho mỗi học kì (€100 – €400 tùy trường và thành phố). Như vậy, tổng số tiền chi trả cho việc học sẽ rơi vào khoảng €600 – €2400 đối với chương trình cử nhân (tiêu chuẩn 6 kì) và €400 – €1600 thạc sĩ (tiêu chuẩn 4 kì), con số nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí du học ở Mỹ, Úc, Canada hoặc Anh. Đặc biệt, điều này áp dụng cho cả sinh viên Đức, Châu Âu và cả quốc tế. Cũng vì hầu như không có học phí, học bổng (một phần hay toàn phần) ở Đức tương đối hạn chế và chỉ dành cho các bạn nói tiếng Đức tốt.
Thêm vào đó, sinh viên ở Đức không phải chi trả nhiều cho sách và tài liệu học, một điều mà các bạn bè của mình ở những nước nói tiếng Anh rất hay than phiền. Sách ở nước ngoài đa phần rất đắt. Một quyển sách cần cho một môn học ở trường thường sẽ rơi vào khoảng €30 – €70. Tất nhiên việc mua sách cũ (giá thấp hơn từ 25-50%) là khả thi nhưng không phải lúc nào cũng có đủ sách cũ và có vào đúng thời điểm mình cần. Trong khi đó, hầu hết các giáo sư và chương trình học ở Đức không yêu cầu sinh viên phải mua sách. Giáo sư sẽ chuẩn bị tài liệu riêng của họ và phát cho sinh viên học. Những tài liệu này được soạn dựa trên sách, bài nghiên cứu và kinh nghiệm, hiểu biết của chính các giáo sư. Vì thế, chất lượng kiến thức sinh viên được học vẫn tốt mà bản thân bọn mình không phải tốn thêm chi phí.
2. Quyền lợi dành cho sinh viên
Như mình đã nói ở trên, trong khoản phí mà một sinh viên quốc tế ở Đức phải trả một kì (Semesterbeitrag/Semester fee) đã bao gồm quyền lợi của sinh viên đó đối với một số dịch vụ lẫn ưu đãi trong và ngoài trường. Sinh viên khi đã nhập học và đóng Semester fee sẽ được đăng kí nhà/kí túc cho sinh viên, hỗ trợ tìm nhà bên ngoài (nếu muốn hoặc kí túc hết chỗ), và mua vé phương tiện công cộng như tàu vùng, chậm, buýt, tàu điện với giá chỉ tầm 1/4 so với người đi làm. Suy cho cùng, phần lớn phí học kì sinh viên ở Đức phải trả vẫn là để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống của chính mình.
Ngoài ra, sinh viên ở Đức còn có thể được ưu đãi khi tham dự các hoạt động văn hóa, sự kiện, vào cửa bảo tàng và các công trình của thành phố. Sinh viên ở Đức bao gồm cả sinh viên quốc tế (dưới 28 hoặc 30 tuổi) được mở tài khoản ngân hàng miễn phí và cũng không tốn phí duy trì hàng tháng/quý. Nếu bạn dưới 27 tuổi, là một người thích dịch chuyển và thường xuyên đi du lịch đường dài, bạn cũng sẽ được phép mua bahncard để tích điểm và nhận giảm giá cho chuyến đi của mình trên tất cả các loại phương tiện, cả tàu express.
3. Cơ hội việc làm
Sinh viên quốc tế ở Đức được phép làm việc 120 ngày hoặc 240 nửa ngày một năm và không quá 20 giờ một tuần. Các công việc sinh viên có thể làm tương đối đa dạng, từ bồi bàn, dọn dẹp, phụ bếp, phụ việc cho các hội chợ, sự kiện, hỗ trợ giáo sư nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học, cho đến việc văn phòng tại các tổ chức nhà nước lẫn doanh nghiệp (Werkstudent/Working student). Ngoài ra, sinh viên còn có vô vàn cơ hội để thực tập tự nguyện (voluntary internship – không bắt buộc trong chương trình học) tại các công ty lớn nhỏ.
Mức lương tối thiểu hiện nay tại Đức là €9.60/giờ (2021). Trung bình các quán ăn, sự kiện và công việc thời vụ trả €10-11/giờ. Một số nguồn tham khảo để tìm các công việc như vậy bao gồm: jobmensa, haushelden, ucm(.)jobs (app),… Những công việc này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hoặc tiếng Đức phải quá tốt. Tuy nhiên, không nhiều bạn biết điều này mà vẫn chấp nhận làm ở những nơi trả tiền mặt với mức lương dưới mức cơ bản. Trả dưới mức lương cơ bản là phạm luật và ở Đức cơ hội làm thêm không hiếm, cũng không phân biệt giới tính hoặc quốc tịch (miễn giấy tờ, visa đầy đủ). Vậy nên, nếu bạn đang tìm việc làm thêm ở Đức, hãy tham khảo nhiều nguồn, tự tin tìm việc xứng đáng và đừng để bị bóc lột.
Đối với công việc văn phòng dành cho sinh viên, mức lương sẽ cao hơn một chút, từ €12 – €20/giờ, thậm chí có thể cao hơn với các bạn làm về programing hoặc AI. Điểm cộng của công việc văn phòng (working student, internship) là cơ hội được học hỏi, trau dồi kĩ năng và kinh nghiệm đối với chuyên ngành đang theo học. Vì là cơ hội cực tốt để được làm cho doanh nghiệp, cả những tập đoàn hàng đầu như SAP, BMW, Amazon,…, quy trình tuyển dụng đối với dạng công việc này cũng khó hơn. Tuy nhiên, việc được nhận là hoàn toàn khả thi, ngay cả khi bạn chỉ nói tiếng Anh, và nhiều công ty còn thích tuyển người nước ngoài để tăng đa dạng cho môi trường công sở. Nhiều vị trí còn có thể chuyển thành vị trí toàn thời gian khi bạn tốt nghiệp, nếu bạn làm tốt và team đang lớn mạnh, cần người. Bạn có thể tìm các công việc này trên LinkedIn, stepstone, indeed, hoặc vào trực tiếp website của công ty. Tips nộp đơn và phỏng vấn cho những vị trí này mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn ở một bài viết khác.
Nói chung, với chi phí học, sinh hoạt (trung bình €861/tháng theo quy định tài khoản khóa cho sinh viên), và mức lương làm thêm như trên, một sinh viên quốc tế như mình và nhiều bạn khác hoàn toàn có thể tự hỗ trợ tài chính cho bản thân xuyên suốt chương trình học…”
Nguồn: Scholarship Hunters