Bước cuối cùng của cuộc đời sinh viên chính là bài luận tốt nghiệp. Liệu hành trình này có dễ dàng vượt qua. Thực tế, có đến 4% số sinh viên ở Đức bị đánh trượt bài tốt nghiệp (Theo Mystipendium). Đây mới chỉ là tỉ lệ trung bình. Ở những ngành kỹ thuật như Chemietechnik, Energietechnik, Werkstoffwissenschaften và Mechatronik thì tỉ lệ này lên đến 10%!
Vậy liệu có phải sự nghiêm khắc và công minh trong việc chấm thi tốt nghiệp ở Đức đã tạo nên tỷ lệ này? Có thể! Kèm theo đó là một số nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính bài luận văn của bạn:
- Plagiat – Đạo văn:Có thể bạn không chủ đích đạo văn, nhưng chỉ cần một lỗi như vô ý sử dụng tài liệu và quên dẫn nguồn cũng có thể dẫn đến hậu quả.
- Der fehlende rote Faden:Thiếu sự liên kết xuyên suốt nhất quán bài luận. Lỗi này xảy ra khi bạn vẫn còn lơ mơ và mông lung về đề tài của chính mình. Bạn không biết thực sự bạn muốn làm cái gì trong bài luận này, vấn đề của bạn là gì, bạn giải quyết nó như thế nào?
- Die generelle Qualität der Arbeit:Chất lượng chung của bài luận. Có thể là vấn đề về ngôn ngữ – quá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp, về nội dung của bài luận – quá sơ sài, về hình thức của bài luận – quá cẩu thả.
Điều kiện để nhận luận văn
Bạn không cần phải hoàn thành hết toàn bộ những tín chỉ trước khi nhận luận văn tốt nghiệp mà chỉ cần hoàn thành một số lượng cụ thể. Ví dụ như chỉ cần đạt 120/180 tín chỉ là có thể bắt đầu xin nhận đề tài tốt nghiệp được rồi. Nhưng trong 120 tín chỉ đó phải có bao gồm những Modul cơ bản.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên nhận đề tài sau khi bạn đã gần hoàn tất chương trình học để có thể dành nhiều thời gian nhất có thể cho bài Abschlussarbeit, tức là vào kỳ 6. Tiếp theo sẽ là 5 bước để bắt đầu hành trình làm luận văn tốt nghiệp.
5 bước để làm một bài luận văn
Bước 1. Tìm người hướng dẫn (Betreuer)
Phương án 1: Làm luận văn tại trường
Bạn có thể tìm một giáo sư ưa thích trong khoa, chỉ cần viết một email ngắn gọn giới thiệu về bản thân và hỏi xem liệu giáo sư có sẵn một đề tài thích hợp cho bạn không. Nếu không, bạn cũng có thể viết mail cho Studienfachberatung của mỗi ngành (thường là một giáo sư trong ngành), họ sẽ tư vấn cho bạn.
Sau khi bạn đã chọn được giáo sư thích hợp, có 2 trường hợp sẽ xảy ra ở đây.
- Chính giáo sư sẽ là người hướng dẫn trực tiếp bạn (hàng ngày, hàng tuần).
- Giáo sư sẽ chỉ định một wissenschaftlicher Mitarbeiter để trực tiếp hướng dẫn bạn. Còn giáo sư sẽ chỉ gặp bạn một lần mỗi tháng để kiểm soát tiến độ. Các wissenschaftliche Mitarbeiter hầu hết đều còn trẻ, nhiệt tình và có nhiều thời gian để giúp đỡ bạn hơn các giáo sư vốn rất bận với những Vorlesung, Klausur, Projekt khác.
Phương án 2: Làm luận văn tại công ty
Với phương án này bạn cần phải để ý về thời gian vì các Angebot từ các công ty không phải lúc nào cũng có sẵn và luôn giới hạn. Phương án này có ưu điểm là luận văn của bạn sẽ được đánh giá cao vì tính thực tiễn của nó và bạn cũng có lương trong thời gian làm luận văn tại công ty.
Bước 2. Chọn đề tài (phương án làm luận văn trong trường)
Trước hết, bạn cần một buổi thảo luận với giáo sư hướng dẫn để tìm ra một đề tài thích hợp dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Thích hợp ở đây còn có nghĩa nó phải đủ độ phức tạp cho một luận văn tốt nghiệp.
Thứ 2, đề tài này phải có một sự cải tiến nhất định so với những nghiên cứu khoa học đã có sẵn. Ví dụ đề tài “Cách chế tạo xe đạp” sẽ không phù hợp vì nó không có gì mới lạ, nhưng đề tài “Cách chế tạo xe đạp để tối ưu hóa vận tốc lên gấp hai” sẽ được chấp nhận.
Bước 3. Viết Exposé
Bạn có 3 tháng cho việc hoàn tất Bachelorarbeit và khoảng 4-6 tháng cho Masterarbeit. Công việc đầu tiên cần làm đó là đi tìm các nguồn tài liệu thích hợp và đọc chúng để hình dung một cách tổng quát về cấu trúc bài Arbeit của bạn. Sau đó, bạn cần phải viết một bài Exposé để nộp người hướng dẫn. Exposé là một bài tóm lược ngắn khoảng 3-10 trang bao gồm các phần sau đây:
- Abstract (Tóm tắt nhanh về đề tài của bạn)
- Hintergrund (Những kiến thức cần thiết nào phải biết để hiểu đề tài của bạn)
- State of the Art (Những công trình khoa học liên quan đến đề tài của bạn)
- Ziel (Mục tiêu của luận văn)
- Vorgehen mit Zeitplan (Kế hoạch thời gian cụ thể cho từng bước)
Bước 4. Viết Abschlussarbeit
Tùy theo quy định mỗi trường. Thông thường độ dài của một bài Bachelorarbeit sẽ vào khoảng 30-60 trang, còn độ dài của một bài Masterarbeit sẽ vào khoảng 60-120 trang. Nếu bạn viết ít hơn hay nhiều hơn số lượng này đều sẽ bị trừ điểm.
Cấu trúc bài Abschlussarbeit cũng khá tương đồng với bài Exposé, nhưng tất nhiên sẽ chi tiết và cụ thể hơn nhiều và tuân theo thứ tự sau đây:
1. Deckblatt (Tờ bìa)
2. Ehrenwörtliche Erklärung (Lời cam kết)
Đại loại là cam kết tự mình làm bài luận văn và có trích dẫn các nguồn đã sử dụng đầy đủ.
3. Abstrakt (Tóm tắt luận văn)
Tổng kết những khía cạnh quan trọng của luận văn bạn. Sao cho người đọc chỉ cần đọc Abstrakt là có thể hiểu được đề tài của bạn nói về cái gì và Abstrakt nên tạo ra được một sự thu hút, hấp dẫn người đọc tiếp tục đọc toàn bộ bài luận văn.
4. Danksagung (Lời cảm ơn)
5. Inhaltsverzeichnis (Mục lục chung), Abbildungsverzeichnis (Mục lục cho các hình ảnh), Tabellenverzeichnis (Mục lục cho các bảng biểu)
6. Einleitung (Dẫn nhập)
Đây là phần cực kỳ quan trọng của luận văn. Nếu bạn dẫn nhập không tốt, tức là bạn hiểu chưa sâu, chưa đủ về chính những gì bạn đang làm. Bạn phải tạo ra một sợi chỉ đỏ thống nhất xuyên suốt luận văn về những gì bạn muốn làm. Người đọc chỉ cần đọc Einleitung là hiểu ngay bạn muốn làm gì, tránh tình trạng mông lung.
7. Grundlagen – Nền tảng
Nêu ra tất cả những khái niệm, định nghĩa, công thức … mà người đọc cần phải có để hiểu được bài luận văn của bạn.
8. Verwandte Arbeiten – Những công trình liên quan
Trong phần này, bạn phải tìm tất cả những công trình khoa học liên quan đến đề tài của bạn và đã được xuất bản. Đó có thể là sách, là những bài báo trên các tạp chí khoa học hay những luận văn khác. Với mỗi công trình bạn cần miêu tả ngắn gọn lại nội dung của công trình đó và chỉ ra sự hạn chế của công trình đó. Điều này chính là những Forschungslücke (lỗ hổng trong nghiên cứu) mà đề tài của bạn có thể giải quyết, có thể khắc phục, có thể nâng cấp được.
9. Modell – Mô hình / Công trình của bạn
Trong phần này, bạn trình bày thật chi tiết và cụ thể về cấu trúc mô hình / công trình của bạn. Phần này sẽ chiếm khoảng 30-50% độ dài của bài luận văn.
10. Evaluierung – Đánh giá
Trên lý thuyết, bạn thiết kế ra mô hình / công trình đó nhưng nó có hoạt động chính xác trong mọi hoàn cảnh hay không thì không ai biết được. Nên chúng ta phải cần có phần Evaluierung – đánh giá.
11. Fazit & Ausblick – Kết luận và tầm nhìn
Trong phần Fazit này, bạn nhắc lại về mục tiêu của luận văn, về những vấn đề, về giải pháp, về kết quả đạt được nhưng không copy-paste từ những phần trước.
Luận văn của bạn còn những khuyết điểm gì? Bạn muốn cải thiện nó hay thêm những mảng nghiên cứu nào khác cho luận văn của bạn trong tương lai? Đó chính là nội dung của phần Ausblick.
12. Literaturreferenzen – Tài liệu tham khảo
Liệt kê toàn bộ nguồn của những tài liệu mà bạn đã sử dụng trong luận văn.
Bước 5. Kolloquium – Bảo vệ tốt nghiệp
Bạn chỉ cần làm một bài Powerpoint dựa trên bài luận văn của bạn, vì đây là kiến thức của bạn nên việc này hoàn toàn đơn giản. Tóm lược lại tất cả các chương và trình bày cho 2 giáo sư, một vài khán giả, người bạn ở dưới nghe (Một buổi bảo vệ tốt nghiệp thường chỉ diễn ra trong một căn phòng nhỏ và có rất ít người đến tham dự).
Ở phần Diskussion, hai giáo sư sẽ hỏi về một số vấn đề trong bài thuyết trình. Tiếp đó, họ sẽ hỏi bạn về một số hướng phát triển tiềm năng trong tương lai của luận văn của bạn (chính là phần Ausblick). Tốt nhất, bạn nên tự suy nghĩ các câu hỏi có thể xảy ra trong phần này và tự chuẩn bị trước câu trả lời ở nhà.
Nguồn bài viết: dattrandeutsch