Có nhiều cách kiếm tiền tiêu vặt cho du học sinh. Ví dụ như nhân viên phục vụ, người giữ trẻ, trợ lý học tập hoặc làm gia sư. Thật lý tưởng khi công việc này là chuyên môn với chương trình học của bạn. Sinh viên sư phạm có thể dạy kèm, hoặc sinh viên lịch sử nghệ thuật có thể làm nhân viên tạm thời trong bảo tàng.

Sẽ là một trải nghiệm thú vị khi bạn làm các công việc này. Nhưng cũng nên lưu ý các quy định pháp luật về làm thêm cho du học sinh của Đức nhé.

Đầu tiên, bạn có thể tìm thấy những việc làm này từ đâu?

  • Dịch vụ sinh viên tại các trường đại học và đại diện địa phương của Bundesagentur für Arbeit (Cơ quan Việc làm Liên bang).
  • Danh sách việc làm thêm trên trang web trường đại học. Hoặc thông tin online từ các dịch vụ sinh viên.
  • Các quảng cáo công việc, tuyển dụng trên các tờ báo uy tín địa phương.
  • Thông báo trên ‘Schwarzen Bretternát’ – các bảng thông tin trong khuôn viên trường.

Làm trợ lý học thuật (academic assistant)

Các trợ lý học thuật/ hỗ trợ sinh viên tại một trường đại học được gọi là Hiwis (Hilfswissenschaftler). Cụ thể các công việc như, quản trị thư viện, hướng dẫn các buổi học tutorials. Hoặc có thể làm nghiên cứu hỗ trợ (research literature) cho các giáo sư. Ưu điểm của những công việc này là liên quan mật thiết đến việc học của bạn. Điều này đồng nghĩa, bạn vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm chuyên môn. Đối với các công việc trong trường, bạn nên hỏi thăm tại văn phòng khoa. Hoặc có thể để ý đến bảng thông tin tại trường / khoa của mình.

Quy định thời gian làm thêm tại Đức

Bạn được phép làm việc 120 ngày toàn thời gian hoặc 240 ngày nửa buổi/ năm. Bạn không được phép kinh doanh riêng, tự làm chủ. Nếu muốn làm việc nhiều hơn quy định này, bạn phải xin phép Agentur für Arbeit (Cơ quan Tuyển dụng Địa phương) và Ausländerbehorde (Văn phòng Đăng ký của người nước ngoài). Việc chấp thuận sẽ phụ thuộc vào mức độ thất nghiệp ở bang này.

Tuy nhiên, quy tắc 120 ngày này không áp dụng cho trợ lý học thuật (student assistants). Không có hạn chế về thời lượng làm việc của những công việc này tại các trường đại học. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thông báo cho Ausländerbehorde (Văn phòng Đăng ký người nước ngoài) nếu bạn làm hơn số giờ quy định. Những loại nào sẽ được tính vào trường hợp này? Tốt nhất bạn nên đến Văn phòng Dịch vụ Sinh viên của bang hoặc Akademischen Auslandsamt (Văn phòng sinh viên nước ngoài) tại trường để chắc chắn.

Thu nhập

Thu nhập từ công việc bán thời gian sẽ phụ thuộc vào chuyên môn, tiểu bang và lĩnh vực mà bạn muốn làm việc. Ở những thành phố đắt đỏ như Munich, Hamburg hay Cologne, bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nhưng cũng phải trả nhiều tiền hơn cho tiền thuê nhà hoặc mua thức ăn.

Thông thường, một số việc cần chuyên môn hầu hết được trả cao hơn một chút. Ví dụ như Trợ lý học thuật, Trợ lý sản xuất hoặc nhân viên tạm thời tại các hội chợ thương mại

Tuy nhiên, đừng mong thu nhập từ công việc làm thêm sẽ đủ cho toàn bộ chi phí sinh hoạt. Có rất ít công việc phù hợp thuộc loại này trên thị trường lao động Đức. Và đừng nên để việc làm thêm ảnh hưởng không tốt đến sự tập trung học tập của bạn. Thay vì vậy, bạn có thể tìm kiếm những nguồn hỗ trợ tài chính và học bổng.

Thuế và Bảo Hiểm

Nếu thu nhập 450 EUR/ tháng hoặc ít hơn, bạn không phải trả thuế. Nhưng nếu bạn thường xuyên kiếm được hơn 450 EUR/tháng, bạn sẽ phải có mã số thuế. Một số tiền nhất định sẽ được khấu trừ vào tiền lương mỗi tháng, bạn sẽ được nhận lại nếu bạn nộp tờ khai thuế vào cuối năm.

Thông thường bạn sẽ trả các khoản đóng góp an sinh xã hội khi làm việc lâu năm ở Đức. Chúng bao gồm các khoản: bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng, lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp. Bạn không phải trả những khoản này nếu làm dưới hai tháng hoặc ít hơn 50 ngày trong suốt một năm.