Người Đức yêu thích sự hài hước, một thực tế rõ ràng là những sân khấu, địa điểm tổ chức hài kịch tại Berlin luôn được người dân lui tới. Thực tế, hài kịch có nguồn gốc sâu xa trong văn hoá Đức, với việc họ rất thích sự châm biếm chính trị. Vậy mà người Đức được trang Badoo.com bình chọn trong một cuộc khảo sát 2011 là dân tộc kém hài hước nhất thế giới.

Nếu người Đức luôn có đầu óc hài hước, thì tại sao người ta lại cứ quy chụp họ không khôi hài?

Nicola McLelland, giáo sư ngữ văn tiếng Đức tại đại học Nottingham ở Anh, tin rằng cấu trúc các ngôn ngữ khác nhau có thể ảnh hưởng đến cách thức các nền văn hóa khác nhau pha trò và nhận biết trò đùa.

Cô giải thích rằng tính hài hước thường sử dụng sự mơ hồ trong việc giải thích từ ngữ và cấu trúc câu để tạo ra các ý nghĩa khác nhau, mà nó có thể tạo yếu tố hài hước trong một tình huống nhất định. Ví dụ: cụm từ ‘we saw her duck’ có thể hiểu 2 cách: ‘chúng tôi thấy con vịt của cô ấy’ hoặc là ‘chúng tôi thấy cô ấy tránh né để khỏi bị tổn thương’.

Tuy nhiên, cấu trúc ngôn ngữ của Đức có thể rất khác. Danh từ có thể có ba giới tính khác nhau và bốn trường hợp khác nhau. Động từ cũng có rất nhiều dạng khác nhau. Ý nghĩa chính xác của một câu dựa vào việc sử dụng đúng giới tính và trường hợp liên quan đến ý nghĩa cuối cùng, ảnh hưởng đến cách diễn đạt ý khôi hài. Về cơ bản, khó có thể chơi chữ bằng tiếng Đức khi mà ngữ pháp làm cho mọi thứ trở nên khó có thể nhập nhằng.

Nhưng ngôn ngữ Đức lại có khả năng tạo ra từ ghép.

Tiếng Đức là một trong số ít các ngôn ngữ sử dụng các từ ghép là những từ được tạo thành từ nhiều từ riêng biệt (chẳng hạn như schadenfreude, kết hợp giữa schaden (gây hại) và freude (niềm vui). Những từ ghép thường không thể được dịch trực tiếp sang các ngôn ngữ khác, vì vậy các câu nói đùa bằng những từ ghép sẽ không gây cười đối với những người không nói tiếng Đức.

Giáo sư McLelland giải thích điều này bằng một ví dụ: “Tại sao bạn không thể nhặt đồng hồ lên khi bạn đánh rơi nó? Bởi vì không có Urheberrecht.”

Cô giải thích rằng Urheberrecht có nghĩa là ‘bản quyền’, nhưng cũng là một từ ghép với nghĩa đen là ‘quyền nhặt đồng hồ’.

Bạn có thấy là câu đùa này chẳng hay ho gì theo tiếng Anh? Thực tế, khả năng cực kỳ súc tích này của tiếng Đức có thể giải thích tại sao ngay cả một người Đức giỏi tiếng Anh cũng hình như nói hơi kỹ càng quá khi nói tiếng Anh, điều này có thể tạo ấn tượng rằng người Đức nghiêm túc hơn là hài hước.

Christian Baumann, luật sư ở Nuremberg, người đã tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đồng ý rằng sự khác biệt về ngôn ngữ đóng một vai trò rất lớn trong khuôn mẫu không hài hước của người Đức.

Ở chuyến đi đầu tiên đến Mỹ, ông liên tục phải dịch những suy nghĩ của mình từ tiếng Đức sang tiếng Anh, ngay cả khi kể chuyện hài hước. Kết quả là mọi người không hiểu ông. Một số người thậm chí cho rằng sự bộc trực của ông là thô lỗ.

“Tôi nghĩ rằng khi bạn cố gắng nói để chuyển đúng theo nghĩa đen từ tiếng Đức sang tiếng Anh thì bạn sẽ để mất rất nhiều ý nghĩa để câu chuyện trở thành khôi hài. Và khi bạn phải giải thích một câu chuyện đùa thì nó sẽ chẳng buồn cười nữa,” Baumann nói. “Vì vậy, tất nhiên, họ không nghĩ tôi là người hài hước.”

Nhưng ông cũng nghĩ rằng sự khác biệt văn hoá cũng đóng một vai trò quan trọng.

“Bằng tiếng Anh, bạn luôn lịch sự, ngay cả khi bạn đang chỉ trích điều gì đó. Nhưng tiếng Đức thì khác. Chúng tôi nói những gì chúng tôi nghĩ, do vậy theo tôi, những người nói tiếng Anh có cảm tưởng người Đức chỉ là những người suy nghĩ logic, thô lỗ, người Đức rất giỏi, và không biết đùa,” Baumann nói.

Danh hài người Đức Christian Schulte-Loh cũng từng chia sẽ vấn đề người Đức bị quy chụp là không hài hước trong quyển sách của mình, Zum Lachen auf die Insel (Người Anh với tiếng cười), rằng người Đức quá thành thực để mà lịch sự và người Anh quá lịch sự để mà thành thực.

Schulte-Loh thường xuyên biểu diễn tại câu lạc bộ hài kịch Quatsch ở Berlin và trên thế giới. Ông cho biết cách nhìn áp đặt đặc biệt này thực sự giúp ông trong quá trình biểu diễn. Ví dụ, khi mở màn một buổi biểu diễn ở Top Secret Comedy Club ở London, ông đã mở đầu bằng cách chê quốc tịch mình.

“Xin chào, tôi theo đạo Ki-tô và tôi là diễn viên hài người Đức!” Anh dừng lại một lúc trong khi đám đông cười chế giễu. “Ồ, tôi thấy là sự kỳ vọng đã giảm xuống rồi. Thôi được, tôi sẽ cố gắng hết mức!”