Không chỉ là trung tâm của châu Âu về mặt địa lý, vị thế chính trị và kinh tế, Đức còn là một đất nước có nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú nhất châu Âu. Việc tìm hiểu về cách sống, con người cũng như những phong tục tập quán của người Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho các du học sinh trong việc thích nghi và hòa nhập vào cuộc sống mới.

Văn hóa nước Đức trong giao tiếp

Trong cuộc sống hằng ngày, người Đức rất coi trọng việc đúng giờ và hiểu phép tắc chào hỏi. Vì vậy, khi có một cuộc hẹn với người Đức, việc đến đúng giờ sẽ giúp bạn có được lòng tin và sự tôn trọng của họ. Khi chào hỏi, nếu đến sau bạn nên chào họ trước, hoặc ai nhìn thấy đối phương trước sẽ là người cất lời đầu tiên.

Đặc biệt, bạn nên chú ý người đối thoại cùng với mình có học hàm vị, chức vụ, tước hiệu là gì để tiện cho việc xưng hô. Ví dụ: Tiến sỹ Christopher Johnson, Ngài thị trưởng Glenne Loewen. Đối với giới quý tộc, bạn nên gọi kèm theo tước vị của họ: Giáo sư Bá tước Paul Lewis. Riêng với những ai là cử nhân hoặc thạc sĩ thì không cần phải gọi kèm học vị theo tên.

Khi trao danh thiếp khách sẽ là người trao đầu tiên. Nếu trao cho nhóm bạn nên trao cho người có chức vụ cao rồi đến thấp. Trong trường hợp, bạn không biết chức vụ của họ như thế nào thì bạn trao cho người bên cạnh đứng gần bạn nhất. Và khi nhận lại danh thiếp thì bạn phải xem trước khi cất.

Khi trao đổi qua điện thoại bạn nên xưng hô tên và giới thiệu về mình. Bên kia đầu đây cũng sẽ xưng tên khi nghe máy.

Văn hóa đời sống tại Đức

Khi tham gia một bữa tiệc của người Đức, bạn nên ngồi sau khi chủ nhà mời, nên ngồi đúng vị trí mà họ đã chỉ định cho bạn, và khi cụng ly hãy để chủ nhà nâng ly lên trước.

Tại bữa tiệc hay trong cuộc sống, nếu muốn làm quen với người Đức bạn không nên mang những chuyện chính trị hay tôn giáo ra bàn luận, mà chỉ nên tìm điểm tương đồng với đối phương để trò chuyện nhằm tạo không khí thân mật.

Khi được ngồi mời đi chung xe, nếu là xe của họ thì bạn không nên ngồi hàng ghế sau. Nếu đi taxi người nào trả tiền sẽ ngồi phía trước hay phía sau gần người lái xe.

Văn hóa nước Đức tôn trọng sự riêng tư vì thế nên trong văn phòng hay gặp nhau ở hành lang, bạn nên chú ý về khoảng cách với họ.

Văn hóa trong kinh doanh

Trong kinh doanh, người Đức càng đề cao sự kỷ luật và ngăn nắp hơn bao giờ hết. Họ không hoan nghênh những sự kiện bất ngờ hay ai đó cố tỏ ra hài hước, với họ mọi thứ đều phải được lên kế hoạch cẩn thận và thường rất ít có thay đổi xảy ra sau khi thỏa thuận.

Các kỹ sư ở Đức rất được xem trọng. Bằng chứng là các công ty có xu hướng được lãnh đạo bởi các chuyên gia kỹ thuật hơn là luật sư hoặc những người có nền tảng tài chính. Công nhân ở tất cả các cấp cũng được đánh giá rất cao về năng lực và sự siêng năng, thay vì kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp với đồng nghiệp cũng như người ngoài có xu hướng trực tiếp và không phải lúc nào cũng ngoại giao.

nhung-net-dac-trung-van-hoa-nuoc-duc-du-hoc-sinh-nen-biet

Thông thường văn hóa ưu tiên phụ nữ trước tiên chỉ áp dụng trong đời sống hằng ngày, còn trong kinh doanh ai cũng bình đẳng. Trong hợp tác kinh doanh sẽ chào theo cấp bậc như sau:

Nếu hai người đã quen nhau từ trước thì cùng chào nhau khi gặp. Sau đó, người cấp thấp sẽ giới thiệu những người đi cùng. Bên kia, người có cấp bậc cao nhất sẽ giới thiệu về những người đi cùng mình và cuối cùng là giới thiệu bản thân. Khi cả hai bên đã biết nhau hết thì bắt tay, cử chỉ nhẹ nhàng, nhìn vào mắt nhau khi bắt tay.

Khi trao đổi, hai bên chỉ bàn về công việc và đi thẳng vào vấn đề, tránh quanh co. Đặc biệt, không đem chuyện cá nhân, tôn giáo, chính trị ra bàn trong kinh doanh. Ngoài ra, để thể hiện sự tôn trọng đối tác, bạn nên mặc vest đen và ít phụ kiện đi kèm. Nhất là nam giới nên tránh ăn mặc lòe loẹt. Còn phụ nữ chỉ nên trang điểm nhẹ nhàng và đeo phụ kiện đơn giản.