Sống và học tập trong một môi trường đa văn hóa luôn là một vấn đề không nhỏ đối với các du học sinh. Bạn sẽ được tiếp xúc và làm quen với những nền văn hóa mới lạ, tuy nhiên, bạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn cũng bởi vì khác biệt văn hóa. Vậy làm sao để có thể tồn tại trong một môi trường đa văn hóa?

Tìm hiểu phong tục tập quán bản địa

Trước khi đi học xa nhà, bạn phải tìm hiểu phong tục tập quán, lưu ý các cấm kỵ tại vùng đất sẽ theo học. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu về văn hóa và cách ứng xử ở những quốc gia của bạn bè quốc tế mà bạn tiếp xúc. Có những điểm dễ thích nghi, có điểm quá khác biệt nhưng bạn vẫn phải biết trước để không vô tình “động chạm” văn hóa.

Học hỏi từ bạn bè

Sự đa dạng của sinh viên trong lớp chính là sức sống của khóa học, truyền cảm hứng và năng lượng mới cho mỗi sinh viên, thầy cô tham gia. Sách vở, giáo trình đều có trên mạng và không chừng sẽ lạc hậu. Nhưng du học tạo cơ hội cho tình bạn và nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Để tận dụng nguồn lực đó, nên:

Thứ nhất, khi được phân nhóm, hãy chủ động nắm thông tin liên lạc, tìm hiểu từng thành viên. Đến lúc làm việc nhóm, bạn có thể trao đổi những điều đã hiểu lẫn chưa hiểu. Đừng “giấu dốt” vì không chừng bạn bè khác cũng đang không hiểu bài y như bạn.

Thứ hai, hãy để ý một bạn để chơi thân. Đó nên là người bạn vừa mến phục tài năng vừa gần gũi tính cách. Ngoài ra, khi có dịp cà phê, hãy tìm cách nói chuyện sâu với từng người, nói về bài luận đã viết, quyển sách, bài báo, phần thuyết trình hay mà nhóm đã tiếp cận.

Du học sinh có thể giới thiệu cho nhau những dự án, ý tưởng thú vị sắp diễn ra ở mỗi quốc gia. Nhờ thế, bạn có thể giữ liên lạc lâu dài với bè bạn quốc tế, lên kế hoạch du lịch, thăm bạn bè và trải nghiệm các dự án trong tương lai.

Suy nghĩ độc lập, làm thêm vừa sức

Mỗi quốc gia sẽ có đặc trưng riêng về giáo dục. Du học sinh cần tìm hiểu kỹ phương pháp học, tư duy, cách tra cứu thông tin, trích dẫn tài liệu.

Các nước phát triển đánh giá cao lối suy nghĩ độc lập, đạo đức trong học tập, sức sáng tạo riêng của mỗi cá nhân từ khi còn ngồi ghế nhà trường nên bạn cần trang bị không chỉ kiến thức mà còn tư duy sắc bén, tác phong nghiêm túc, bản lĩnh để sớm hòa nhập.

Dù sống ở đâu, du học sinh thường sắp xếp lịch học, đi làm thêm để có kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị dần kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ cho giai đoạn sau tốt nghiệp. Điều này sẽ hao tốn thời gian đáng kể nên các bạn cần chú ý tìm hiểu, nộp đơn ứng tuyển sớm để đỡ căng thẳng trong quá trình chờ việc, tránh tạo áp lực, căng thẳng.

Mỗi quốc gia sẽ có quy định riêng về việc làm của sinh viên quốc tế như số giờ mỗi tuần, làm trong khuôn viên hay ngoài trường. Tùy thời điểm, yếu tố may mắn và năng lực, bạn có thể tìm được công việc vừa sức.