Mất ngủ dài ngày, chóng mặt, phát sốt là những biểu hiển thường thấy của jetlag (lệch múi giờ), hiện tượng này xảy ra sau khi các bạn sinh viên trải qua một chuyến bay dài và đáp xuống ở một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Đây là vấn đề không hề đơn giản, nếu bị mất ngủ dài ngày, sức khỏe của bạn sẽ đi xuống và gây ra hàng loạt hệ quả khác. Việc giữ cho mình một một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần là một điều rất quan trọng khi đi du học. Đừng để việc mệt mỏi vì chênh lệch múi giờ làm bạn thấy chán ngán. Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp có thể giúp bạn “vặn” lại đồng hồ sinh học khi đi du học nhé!

Tự điều chỉnh đồng hồ sinh học trước khi bay

Tốt nhất hãy dành khoảng một tuần trước khi bay để từ từ thay đổi giờ ăn và giờ ngủ phù hợp với thời gian tại nơi bạn sắp bay đến. Khi đến nơi, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi được với thời gian mới hơn và ít có cảm giác mệt mỏi.

Theo TS.Charles F. Ehret, ở Chicago (Mỹ) bạn nên giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa thật đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới địa điểm mới. Cẩn thận hơn, ba ngày trước khi khởi hành, cần ăn no với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như cơm, mỳ, khoai tây. Khi đến nơi ăn một bữa thịnh soạn với nhiều thịt, chất đạm sẽ giúp ta năng động hơn, còn chất bột dễ gây buồn ngủ.

Những điều cần lưu ý khi trên máy bay

Không uống cà phê, rượu bia… lời khuyên này vô cùng “chuẩn” nhé! Cà phê là tác nhân gây ra hiện tượng mất ngủ còn rượu bia tạo cảm giác hưng phấn nhưng lại khiến bạn mất nước. Cả hai đồ uống này đều khiến cơ thể mỏi mệt khi hạ cánh.

Quan trọng không kém là bạn hãy uống nhiều nước trong suốt chặng đường bay dài vì bạn sẽ bị mất nước nhanh hơn khi ở trên cao. Hãy tự nhắc mình bổ sung nước đều đặn suốt quá trình bay.

Và hãy bắt đầu thói quen sinh hoạt theo múi giờ mới. Nếu thời điểm hiện tại ở đích đến là ban ngày, bạn nên đọc sách, nghe nhạc trong chuyến bay chứ đừng ngủ khoèo để “giết thời gian” và ngược lại hãy ngủ nghỉ thả ga nếu bên kia đang là ban đêm. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen ăn uống theo múi giờ mới.

Sau khi đến nơi

Nếu hạ cánh vào ban ngày, bạn hãy tranh thủ đi dạo, điều tối kỵ lúc này là không nên ngủ ngay lập tức. Chiếc đồng hồ sinh học của bạn sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi.

Sáng sớm và trước khi đi ngủ, bạn hãy cố gắng thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Điều này sẽ giữ tinh thần bạn sảng khoái, cơ thể luôn cân bằng vào ban ngày và dễ ngủ hơn vào ban đêm. Vào bữa sáng, bạn hãy ăn các món có nhiều protein và hạn chế tinh bột, những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường vì chúng sẽ chuyển hóa rất nhanh khiến bạn nhanh mệt.

Ngoài ra bạn hãy giữ cho mình một tinh thần thật tốt để thích ứng với môi trường mới. Tập làm quen với mọi thứ xung quanh để chúng không còn cảm giác xa lạ hoặc mang theo những vật dụng như gấu bông, mền, gối – những thứ thân thuộc khi còn ở nhà, nó sẽ khiến bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Điều đặc biệt là khi đến nơi bạn hãy giữ tinh thần thoải mái, đừng cố gắng tạo áp lực để bản thân nhanh làm quen với mọi thứ, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đi vào nếp sinh hoạt mà không bị “shock”. Có lẽ ban đầu sẽ hơi khó khăn nhưng bạn sẽ quen dần và không còn cảm thấy khó chịu nữa đâu. Chúc bạn thành công!