Ở nước Đức, các ngành học và nội dung cũng như quá trình học Đại học / Thạc sĩ rất khác nhau giữa các tiểu bang. Khi nhận được giấy gọi nhập học của một trường ĐH cũng có nghĩa là bạn phải làm quen với một hệ thống đào tạo hoàn toàn mới lạ. Bài viết dưới đây nhằm mục đích giới thiệu một cách khái quát những điểm chung nhất về đào tạo tại các trường ĐH Đức.

Cung cấp thông tin trên mạng hoàn toàn

Tất cả các trường đại học tại Đức đều cung cấp mọi thông tin qua mạng internet do sinh viên thường đến từ rất nhiều bang khác nhau và không thể đến trường trong kỳ nghỉ chỉ vì một vài thông tin nhỏ nhặt. Vì vậy, khi bạn chính thức trở thành sinh viên của một trường đại học cũng là lúc bạn nhận được dữ liệu cá nhân để đăng nhập cho các trang ứng dụng khác nhau.

Diễn đàn điển hình nhất là học trực tuyến Online-Lernplattform ở các trường. Tại đây, bạn sẽ nhận được các tài liệu và giáo trình cũng như đề cương bài giảng của các môn học. Hệ thống thư viện tại các trường đại học cũng cung cấp các dịch vụ qua Internet. Chằng hạn, bạn có thể dễ dàng ngồi nhà và tra cứu xem cuốn sách bạn cần nằm ở đâu trên kệ sách và đăng kí mượn nó trực tuyến.Việc gia hạn mượn sách báo, tài liệu cũng có thể thực hiện qua mạng.

Đòi hỏi sự năng động và chủ động của sinh viên

Đặt chân vào trường đại học có nghĩa là bạn phải chủ động hoàn toàn trong việc tổ chức công việc học tập của mình. Việc xây dựng thời khóa biểu nằm hoàn toàn trong tay bạn. Để làm được điều này, bạn bắt buộc phải nắm chắc hai thứ, đó là Nội quy học tập (Studienordnung) và Danh mục các môn học (Vorlesungsverzeichnis). Bạn có thể tìm thấy chúng trên trang Web của các trường hoặc ở văn phòng của tất cả các khoa.

Nội quy học tập sẽ mô tả cụ thể, với từng ngành học thì sẽ có những môn học nào, cấu trúc của môn học đó ra sao, với nội dung khái quát như thế nào và điểm khác biệt giữa các môn này. Nội quy cũng cho biết, để hoàn tất khóa học, bạn bắt buộc phải hoàn thành môn nào, môn nào là môn tự chọn, và ngoài ra bạn cần phải đạt những điều kiện gì (chẳng hạn như bạn phải đi thực tập bao lâu, hoặc bạn phải biết mấy ngoại ngữ).

Danh mục các môn học luôn được cập nhật theo từng học kì. Trong danh mục sẽ có mã số cụ thể của các môn học để sinh viên đăng kí. Đồng thời, xem danh mục này, chúng ta cũng có thể biết được thời gian học cụ thể và địa điểm tổ chức giảng dạy của từng môn cũng như danh tính của giảng viên.

Cách tổ chức các môn học

Việc tổ chức học các môn thường được chia thành những nội dung chính sau: Thuyết giảng (Vorlesung), Thảo luận (Seminar), Thực hành (Übung) và Phụ đạo (Tutor). Thuyết giảng là phần trọng tâm của hầu hết các môn học. Ở nội dung này, các giáo sư sẽ lên lớp trình bày các kiến thức, sinh viên dự thính và tiếp thu mang tính thụ động.

Sau đó, các nội dung kiến thức sẽ được đem ra thảo luận giữa các sinh viên với nhau dưới sự chủ trì của giảng viên trong các giờ Seminar. Việc đưa các kiến thức đã học vào thực tiễn được tiến hành trong giờ Thực hành. Còn trong giờ Phụ đạo, các sinh viên sẽ được những bạn Tutor, là các sinh viên khóa trên có kết quả học tập tốt hướng dẫn.

Để kết thúc thành công một môn học, bạn sẽ phải hoàn thành đầy đủ các nội dung trên. Thuyết giảng và Thảo luận thường mang tính bắt buộc trong khi Thực hành và Phụ đạo thường mang tính tự chọn nhiều hơn. Việc đánh giá kết quả của môn thường là thông qua một bài kiểm tra lớn (Klausur) hoặc một bài tập lớn (Hausarbeit). Việc hoàn thành một môn học sẽ đem lại cho bạn một số tín chỉ nhất định. Khi có đủ lượng tín chỉ theo quy định, bạn sẽ được phép làm luận văn tốt nghiệp.

Cách phân chia các khóa học

Một năm ở Đức được chia làm hai học kì là học kì mùa đông và mùa hè. Mỗi học kì sẽ kéo dài sáu tháng và bao gồm hai phần: Phần thời gian phải lên lớp (Vorlesungszeit) và Phần thời gian không phải lên lớp (Vorlesungsfreizeit). Trong phần thời gian phải lên lớp, các giờ thuyết giảng của các giáo sư (Vorlesung), các buổi thảo luận (Seminar), hay các hoạt động học tập khác như các lớp luyện tập (Übung), các khóa phụ đạo ngoài giờ (Tutor) được tổ chức theo đúng lịch trình đã đưa ra đầu học kì. Phần thời gian không phải lên lớp là lúc mà việc học các môn kết thúc, và các sinh viên sẽ phải đối mặt với các kì thi. Sau khi hoàn thành công việc này, sinh viên coi như được sử dụng thời gian một cách tự do. Lúc đó, bạn hoàn toàn có thể giành thời gian cho các kì nghỉ, về Việt Nam tham gia đình, đi thực tập, hoặc đi làm thêm.

Hỗ trợ tư vấn miễn phí nhiều mặt

Các trường đại học Đức luôn đảm bảo cung cấp cho sinh viên của mình những thông tin tư vấn đầy đủ nhất. Có rất nhiều các loại hình tư vấn, với đối tác tư vấn (Ansprechpartner) là các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. Các lĩnh vực này có thể bao gồm việc tư vấn về chuyên môn, tư vấn về tâm lý, tư vấn về các vấn đề pháp lý (chẳng hạn như làm thế nào để bạn có thể gia hạn visa), hoặc đơn giản là tư vấn về những nơi vui chơi giải trí cuối tuần.

Hỗ trợ giao lưu, kết nối tối đa

Bên cạnh đó, hội sinh viên (Fachschaft) cũng là địa chỉ không thể bỏ qua khi bạn trở thành sinh viên tại một trường đại học Đức. Mỗi một khoa ở trường sẽ có một hội sinh viên của mình. Đây là nơi để giao lưu, kết bạn, đồng thời cũng là nơi để tìm kiếm những sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Trên đây là những điểm chung nhất của những trường đại học Đức. Để tìm hiểu các thông tin cụ thể, cách tốt nhất là bạn chủ động liên hệ với trường thông qua Website của trường.