Người Đức luôn nổi tiếng với sự quy củ và nề nếp. Đối với họ, văn hóa giao tiếp và ứng xử nơi công cộng rất quan trọng. Có những quy tắc ứng xử mà bất kỳ người người nước ngoài nào cũng cần phải biết khi đặt chân đến đây và cũng cần phải mất một khoảng thời gian mới có thể làm quen được. Trước khi bắt đầu hành trình du học Đức, cùng ICSA tìm hiểu nhé!

Đứng bên phải khi chờ thang cuốn

Nếu quan sát, bạn sẽ thấy mọi người thường đứng phía bên phải thang khi sử dụng thang cuốn ở bến tàu hoặc trung tâm thương mại. Đó là bởi vì họ nhường phía bên trái thang cho những người đang vội và cần đi nhanh. Quy tắc này cũng được thực hiện ở rất nhiều quốc gia. Nếu bạn mới sang Đức, đừng đứng phía bên trái khi đi thang cuốn nhé!

Chờ người trong thang máy ra trước

Có một quy tắc là khi cửa thang máy mở ra, bạn nên để người bên trong thang máy bước ra trước. Tương tự khi chờ tàu bạn cũng nên để mọi người đi ra trước. Đây là một việc rất đơn giản, nhưng có thể do vội hoặc không kịp quan sát mà một số bạn bỏ qua điều này.

Giữ khoảng cách khi xếp hàng

Giữ khoảng cách với người phía trước: Khi đứng xếp hàng bạn cần lưu ý không nên đứng quá sát người đứng phía trước mình, đặc biệt là khi chờ thanh toán ở siêu thị hay trung tâm mua sắm, việc đứng gần và nhìn khi họ ấn mã thanh toán được cho là rất bất lịch sự.

Cẩn thận khi xưng hô

Khi giao tiếp, người Đức có hai ngôi „du“ và „Sie“ để sử dụng với người đối diện. Ngôi „du“ thường chỉ dành cho bạn bè, những mối quan hệ thân mật hoặc những người nhỏ tuổi hơn bạn. Ngược lại, ngôi “Sie” dùng trong các tình huống xã giao và thể hiện sự trang trọng. Khi bước vào một nhà hàng, nếu bạn dùng ngôi “du” với người phục vụ, có thể bạn sẽ nhận lại những ánh nhìn khó chịu.

Người Đức rất thích dùng ngôi „Sie“. Thậm chí không có gì lạ khi sau nhiều năm làm việc chung họ vẫn gọi người đồng nghiệp thân thiết bằng ngôi „Sie“, hoặc dùng kính ngữ „Herr/Frau“ kèm theo tên họ của người kia.

Nhìn vào mắt khi bắt tay

Khi bắt tay hoặc chạm cốc với ai đó, bạn nên nhìn thẳng vào mắt đối phương. Nếu không, học sẽ hiểu lầm là bạn không tôn trọng họ.

Có thể chia sẻ chỗ ngồi

Trong trường hợp bạn đi ăn ở một nhà hàng đã kín chổ, nhưng vẫn còn ghế trống ở một số bàn, bạn chỉ cần nhã nhặn hỏi liệu bạn có thể ngồi cùng vào chỗ đó không. Việc này ở Pháp hay cả ở Mỹ hoặc nhiều quốc gia khác là không thể xảy ra. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm như vậy tại Đức.

Nếu bạn ngồi cùng bàn và có khoảng cách quá gần với đối phương. Tốt nhất hãy tôn trọng sự riêng tư và tỏ ra là mình không nghe thấy gì từ cuộc trò chuyện của người đó.

Luôn xưng tên khi nói chuyện điện thoại

Khi nói chuyện điện thoại ở Đức, bạn cần xưng tên trước khi đề cập đến mục đích của cuộc gọi. Điều này cũng được áp dụng khi bạn đặt phòng khách sạn hay đặt chỗ ở nhà hàng. Nếu bỏ qua quy tắc này, bạn có thể không nhận lại được sự tin tưởng từ đối phương.Và cuộc gọi điện sẽ không đi đến đâu cả.

Ngoài ra, bạn cũng không nên gọi điện thoại cho người khác sau 9 giờ tối nếu không thân thiết. Ngay cả với bạn bè, cũng cần cân nhắc xem có nên gọi sau 22h không.