Xứ sở Kiwi là đất nước luôn đi đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Và những sáng kiến giáo dục trong trường học đã góp sức không nhỏ tạo nên bao thế hệ người New Zealand tôn thờ Mẹ Thiên nhiên.

Khi chơi game cũng giúp bạn giải cứu… Trái Đất.

Nắm bắt được tâm lý “học trong chơi”, các nhà khoa học của trường ĐH Canterbury, New Zealand đã khéo léo lồng ghép kiến thức về tái tạo năng môi trường cho học sinh trung học bằng cách thiết kế một trò chơi nhập vai trên máy tính mang tên “Những thợ khoan Magma giải cứu Trái Đất”

Người chơi sẽ nhập vai thành các nhà khoa học, kĩ sư…, tính toán để đưa ra phương án khai thác năng lượng tái tạo từ ngọn núi lửa mà không làm ảnh hưởng xấu đến Trái Đất. Bằng những tình huống vui nhộn và hiệu ứng 3D sinh động, trò chơi đưa học sinh đến với những thử thách với độ khó tăng dần, buộc học sinh phải “cân não” để giải quyết nhu cầu sử dụng năng lượng cho số cư dân và thành phố nhất định.

Điều thú vị là những kết quả đều được mô phỏng sát với thực tế, giúp các bạn trẻ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc khai thác nguồn năng lượng, địa chất và khoa học. Nếu các bạn khoan quá sâu, núi lửa có thể phun trào và giết chết mọi người. Nhưng nếu khoan quá ít, năng lượng sẽ không đủ để cho người dân sử dụng và hành tinh sẽ chìm vào bóng tối.

Thông qua thử nghiệm, trò chơi đã được phản hồi tích cực từ học sinh trung học và gây ấn tượng mạnh với các nhà tài trợ giáo dục. Nhờ vậy, dự án này đã nhận được 30.000 USD tài trợ từ quỹ Unlocking Curious Minds trực thuộc chính phủ New Zealand.

Trở thành người làm vườn ngay từ tiểu học với bộ công cụ làm vườn đa năng.

Không chỉ học sinh trung học New Zealand hào hứng với trò chơi nhập vai giải cứu Trái Đất, các em học sinh tiểu học cũng có cơ hội trải nghiệm học môn sinh học thú vị hơn nhờ bộ công cụ làm vườn mang tên “Vườn của bạn phát triển như thế nào?”.

Bộ công cụ có đa dạng dụng cụ, hạt mầm và cả sách hướng dẫn lẫn website chi tiết để học sinh thực tập làm vườn và thử nghiệm được ít nhất 12 kỹ thuật sinh học như đo độ pH của đất, gieo trồng,… Nhờ vậy, các em có thể hiểu được các khái niệm sinh học đơn giản như quá trình nảy mầm, hệ sinh vật của đất đai, quá trình phát triển của cây…

Kết hợp với chương trình học trong lớp, học sinh biết thêm nhiều kiến thức bổ ích như bọ rùa giúp ăn sâu bệnh mà không cần phun thuốc trừ sâu, giun đất là người bạn làm đất đai nhiều dinh dưỡng mà không cần phân bón, độ chua của đất sẽ phù hợp với từng loại rau củ và cây trồng khác nhau… Những bài học đơn giản, gần gũi và thiết thực sẽ giúp học sinh hiểu hơn về việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

Đặc biệt, Giáo sư Steve Wratten thuộc dự án trên chia sẻ: “Học sinh sẽ nhận ra chúng ta nên tôn trọng tự nhiên, để chúng tự đáp ứng và cân bằng hơn là can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp phi tự nhiên như chất hóa học”. Dự án này hứa hẹn sẽ được BPRC triển khai rộng rãi trong phạm vi các trường tiểu học.

Đào tạo những công dân toàn cầu

Trường học New Zealand đã có rất nhiều sáng kiến để trang bị nhận thức toàn cầu cho học sinh – một kỹ năng quan trọng đối với người trẻ thế kỷ 21. Trong từng lớp học, các thầy cô giáo cũng rất nỗ lực lồng ghép các vấn đề nóng của thế giới vào bài học một cách dễ hiểu, giúp học sinh nhận thức và khuyến khích các em tham gia vào các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, an ninh lương thực…

Thầy Mark Hanlen là một người đi đầu trong phong trào giáo dục thân thiện môi trường. Để truyền cảm hứng và khuyến khích các em học sinh quan tâm tới thế giới xung quanh, thầy Mark thường dẫn các học sinh của mình đi lặn biển, kết nối các bài giảng khoa học trong lớp với những ví dụ về các vấn đề trong thực tế, có khả năng tác động sâu sắc đến tương lai của con người như tình trạng rác thải nhựa trong đại dương và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguồn: Toquoc.vn