Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động không tốt đối với hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Vì vậy, các trường đại học đã phải đưa ra những chính sách hoặc biện pháp tạm thời để vượt qua giai đoạn này. Các hoạt động đào tạo đào tạo được chuyển sang hình thức từ xa, trực tuyến. Bên cạnh đó, phía nhà trường cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi nền kinh tế có sự suy giảm do dịch bệnh, đồng thời tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh viên, giảng viên.

Giảm học phí

52 trường đại học Thái Lan và nhiều trường đại học ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã giảm học phí. Ngoài ra, 52 trường trên còn quyết định gia hạn thời gian đóng học phí hoặc thành lập quỹ hỗ trợ sinh viên. Ví dụ như Thammasat University không những nới lỏng thời gian đóng học phí mà còn trao 5,000 học bổng có tổng trị giá 15 triệu Baht cho sinh viên khó khăn. Chulalongkorn University thì hoàn tiền thuê ký túc xá.

Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang thảo luận về việc hỗ trợ cũng như cách thức hỗ trợ cho sinh viên. Các trường đại học châu Phi cấp hoặc cho sinh viên mượn máy tính và đề nghị người dùng trả tiền truy cập internet. Đại học Chicago mới đây đã cam kết rằng học phí và các dịch vụ trường học sẽ không tăng trong năm học 2020-2021.

Với sự suy thoái chung của nền kinh tế và những kiến ​​nghị của sinh viên ngày càng tăng, những điều chỉnh này sẽ không phải là cuối cùng. Nhiều trường đại học sẽ cung cấp học bổng, lệ phí, hoặc học phí thấp hơn để giữ chân những sinh viên giỏi nhất.

Dự tính mở lại lớp học trên giảng đường vào năm 2021

Nhiều trường đại học Mỹ đang cân nhắc hoãn toàn bộ các lớp học trực tiếp đến hết năm 2020 và sẽ chuyển hẳn sang cách thức học trực tuyến. Kéo theo đó thì kỳ nghỉ xuân bị hủy bỏ, cơ hội việc làm mùa hè không còn và lễ tốt nghiệp vẫn chưa ấn định ngày tổ chức. Boston University đã dứt khoát hủy toàn bộ các hoạt động hè để tránh dịch.

Hầu hết các đại học đã điều chỉnh lịch học cho năm nay. Cách thức truyền thống như các kỳ thi, tuyển sinh, nhập học đã được chuyển sang trực tuyến. Một số trường đại học chuyển sang học từ xa, nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo cho giáo viên và bổ sung tài chính cho số hóa tốc độ cao.

Theo dữ liệu Studyportals của Hà Lan, tính đến giữa tháng 4, 40% du học sinh đã thay đổi kế hoạch giáo dục, trong đó, một số đang tích cực tìm kiếm các chương trình trực tuyến. Những sinh viên quốc tế từ các nước châu Á, Italy, Trung Quốc, các nước châu Phi, đang học tập ở châu Âu cũng đang hứng chịu rất nhiều ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Tổ chức lễ tốt nghiệp “ảo”

Các trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard hay Arizona State đã tổ chức lễ tốt nghiệp trực tuyến cho sinh viên của mình. Hơn 500 trường đại học khác thuộc khu vực Bắc Mỹ cũng đang thương thảo để áp dụng hình thức tốt nghiệp tương tự. Các trường đại học đến từ Anh như Cranfield University hoặc những cái tên đến từ Kwait, Đan Mạch, Israel hay Thụy Điển đều đã tiến hành phương thức tổ chức lễ tốt nghiệp an toàn như trên trong mùa dịch Covid-19.

Giảm điểm chuẩn đầu vào SAT và ACT

Ít nhất 51 trường đại học Mỹ bao gồm Boston University và University of California đã giảm yêu cầu điểm thi SAT và ACT đang đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn nhập học cho sinh viên. Với hy vọng khuyến khích sinh viên quốc tế mạnh dạn đăng ký theo học vào năm 2021.

Một số hỗ trợ khác dành cho sinh viên quốc tế

Nước Mỹ đã lập quỹ khẩn cấp hỗ trợ sinh viên nước ngoài. Nhiều trường đại học cũng đã tự hỗ trợ sinh viên của mình bằng cách trả chi phí hỗ trợ vật chất, cung cấp tài liệu về hỗ trợ di chuyển vào ở ký túc xá và sắp xếp các buổi hỗ trợ trực tuyến thường xuyên. Các trường đại học hàng đầu hiện đang đặc biệt quan tâm hỗ trợ tâm lý cho sinh viên và nhân viên của mình, thiết lập hệ thống dịch vụ sức khỏe tâm thần theo định dạng trực tuyến.

Mặc dù gặp khó khăn, các trường đại học đã tham gia vào hầu hết các khía cạnh của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sinh viên y khoa đã làm việc như các bác sĩ được cấp phép. Các trường cũng đang tích cực sản xuất các chế phẩm và khẩu trang y tế, phát triển phần lớn trong số 70 loại vaccine đang được thử nghiệm, như tại Đại học Oxford, đang tiến hành các thử nghiệm thuốc trên người. Nhiều trường đại học cũng phân bổ nguồn tài chính và nhân lực cho nghiên cứu Covid-19.

Cuộc khủng hoảng hiện tại chủ yếu ảnh hưởng đến các trường đại học tư – những trường phụ thuộc vào học phí và nguồn thu từ sinh viên nước ngoài. Chính phủ Australia, Vương quốc Anh và Mỹ đã cam kết hỗ trợ ngân sách đáng kể cho các trường đại học của mình.

Và để hỗ trợ sinh viên nước ngoài từ bất kỳ quốc gia nào đang gặp khó khăn, các đại học trên thế giới đang bàn bạc để nâng chuẩn hỗ trợ ở cấp độ toàn cầu, liên quan đến mở rộng số hóa, các quy định pháp lý và đổi mới trong sư phạm.